OCOP _ ĐƯA ĐẶC SẢN “LÀNG” RA THẾ GIỚI

Sáng nay (23/3), bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), giai đoạn 2018 – 2020 tại Hà Nội.

Chương trình OCOP đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Ông Lê Văn Linh – Phó tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc Ban Xúc tiến thương mại Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam

Theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2018 – 2020, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã có 59 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm (57 tỉnh đã có quyết định chính thức công nhận kết quả).

Trong đó, 2.439 chủ thể tham gia có sản phẩm được công nhận OCOP (38,3% là HTX, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác).

Trong gần 3 năm đã có 4.469 sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (62,2% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Mặt khác, Chương trình OCOP đã góp phần không nhỏ vào tạo công ăn việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động.

Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.

Tuy nhiên, nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến,… dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.

Cùng với đó, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của Chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.

Về định hướng Chương trình OCOP trong 5 năm tới (2021 – 2025)  sẽ phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Trong đó, có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *