Các mô hình hợp tác xã (HTX) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi tại nhiều địa phương đang có những cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao đời sống của các xã viên.
Số lượng HTX tăng nhanh
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, 91 liên hiệp HTX, 120.811 tổ hợp tác; thu hút hơn 10 triệu thành viên và hơn 3 triệu lao động, tác động trực tiếp đến thu nhập và đời sống của hơn 30 triệu người, chủ yếu ở địa bàn nông thôn; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 58%.
Dễ thấy, 2 mô hình HTX được đồng bào vùng DTTS đặc biệt phát triển là HTX nông nghiệp và HTX tiểu thủ công nghiệp. Nếu các HTX nông nghiệp tập trung phát triển các loại cây con có thế mạnh của địa phương để canh tác, trồng, chế biến và xuất khẩu; thì các HTX tiểu thủ công nghiệp lại đi sâu vào khâu chế biến, biến các loại nông lâm sản của địa phương trở thành đặc sản thương mại mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong đại hội của Liên minh HTX Việt Nam mới đây,c ác mô hình HTX tiêu biểu có thể kể đến như: HTX Nông nghiệp xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) với mô hình trồng Tam thất (giá thương phẩm lên tới 450.000đ/kg, hiện không đủ cung cấp cho thị trường); HTX sản xuất nông nghiệp Đạ K’nàng (tỉnh Lâm Đồng) chuyên cây dược liệu (nấm linh chi, trà hoa vàng, thảo quả…); HTX nông nghiệp Evergrowth (tỉnh Sóc Trăng) chuyên sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu, thu hút tới 2.949 thành viên tham gia và đem lại thu nhập bình quân hộ thành viên đạt trên 8,3 triệu đồng/tháng.
“Khu vực kinh tế tập thể, HTX, nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân”, báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam chỉ rõ.
Cũng theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết năm 2020 cả nước đã có tới 11.558 HTX vùng DTTS và miền núi, chiếm 42,4% tổng số HTX cả nước. Đây là một con số rất ấn tượng. Các HTX vùng DTTS và miền núi cũng đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu hecta đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mô hình HTX đi đúng hướng
Đánh giá về mô hình HTX tại các đại phương vùng DTTS, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng: Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, các HTX vùng DTTS và miền núi đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu hecta đất để sản xuất quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là xu thế đúng đắn trong bối cảnh chúng ta đang tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao giá trị của nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Được biết, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng chỉ rõ: “Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”.
Và để hiện thực các nghị quyết nói trên, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia HTX, 70% HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên HTX tăng 2 lần so với năm 2020, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP vùng DTTS và miền núi từ 7-10%. Đến năm 2030: thu hút hầu hết hộ cá thể vùng DTTS và MN tham gia THT, HTX, liên hiệp HTX; 85% HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên HTX tăng 03 lần so với năm 2020, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP vùng DTTS và MN từ 10-12%.
Thảo quả, chè, quế, hồi, măng…đã không còn xa lạ tại các siêu thị; thảo dược, gỗ ép, tinh dầu… đã không còn bán thủ công mà đã được đưa thẳng tới nhà máy. Đưa sản phẩm xưa nay vốn chỉ tự cung tự cấp của đồng bào DTTS nay đã được đưa lên kệ hàng các siêu thị, lên các sàn thương mại điện tử, thậm chí tham gia vào chuỗi OCOP (Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm tiêu biểu) để xuất khẩu cả ra nước ngoài. Trong chuỗi cung ứng ấy, các HTX vùng DTTS đang chính là cầu nối, trung gian và đang ngày càng trở thành các địa chỉ tin cậy không chỉ cho các xã viên mà còn là địa chỉ uy tín cho các thương hiệu nông lâm sản tại các địa phương.