Cam Cao Phong được biết đến là một loại cây ăn quả có cùng họ với bưởi. Nó có tên khoa học là Citrus sinensis. Quả cam nhỏ hơn quả bưởi, vỏ mỏng, khi chín có màu da cam, thường có vị ngọt hoặc hơi chua. Những quả cam có vị biến đổi từ ngọt đến chua, chứa vitamin A, canxi và chất xơ.
Cam Cao Phong có thể trồng ở các khu vực sản xuất có dạng đồi núi thấp. Thường trồng ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển. Đồng thời, được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, tầng đất canh tác dày, thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng cao. Cây cam cao phong thích hợp trồng ở nơi có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ thấp hơn các nơi khác từ 3 – 4 độ C. Cam cao phong tươi chính hiệu ngon ngọt nhiều nước, chứa nhiều chất dinh dưỡng và có nhiều tác dụng khác nhau như:
- Khả năng chống lão hoá cho cơ thể và dưỡng da cực tốt
- Chống lại các nguy cơ mắc các bệnh ung thư
- Hỗ trợ giảm cân hiệu quả
- Chữa ho có đờm và giã rượu
- Chữa bệnh bí tiểu hoặc khó sinh
- Khắc phục chế độ ăn uống không ngon miệng
- Hỗ trợ chữa sốt xuất huyết
- Chữa táo bón
- Chữa đầy hơi khó tiêu
Với mong muốn tìm nhiều hướng đi cho sản phẩm cùng với phương thức tiêu thụ quả tươi, hợp tác xã (HTX) Hà Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong) đã triển khai mô hình “Cam hữu cơ theo chuỗi sản xuất và chế biến ra các sản phẩm từ quả cam tươi” đến nay các sản phẩm sau chế biến ngày càng được khách hàng trong, ngoài tỉnh đón nhận.
Thành lập tháng 8/2016, HTX Hà Phong tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất cam hữu cơ. Tất cả các công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch đều tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt, sản phẩm trước khi được vận chuyển tới nơi tiêu thụ được kiểm tra trọng lượng và quy cách. Hiện, tổng diện tích sản xuất của HTX mở rộng lên 300 ha, trong đó 100% diện tích cam thời kỳ kinh doanh đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đối với các sản phẩm chế biến từ cam, HTX đầu tư nhà xưởng, hệ thống trang thiết bị, máy móc vận hành tự động để chế biến sâu. Tại xưởng chế biến xóm Môn, HTX sử dụng 20 lao động tham gia vào dây chuyền sản xuất chế biến. Đến nay, HTX đã chế biến trên 70 tấn cam tươi, đưa ra thị trường 10 sản phẩm chế biến từ cam, gồm: nước cam lên men, tinh dầu, tinh dầu treo xe, xà phòng, rượu, mứt…
Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền và sử dụng nhiều kênh bán hàng, các sản phẩm chế biến từ cam quả ngày càng được nhiều khách hàng biết đến. Được tìm kiếm nhiều nhất hiện nay có lẽ là nước cam lên men, mứt cam và tinh dầu. Cùng với cam quả tươi, các sản phẩm sau chế biến đã góp phần nâng tổng doanh thu của HTX lên gần 7 tỷ đồng (năm 2018).
Để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu dự trữ và hướng tới xuất khẩu, HTX tập trung tìm kiếm địa bàn mở rộng vùng sản xuất. Qua tìm hiểu, nhận thấy các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, độ dốc đảm bảo, HTX đã triển khai xây dựng vùng cam hữu cơ tại xã Bình Thanh (Cao Phong) với tổng diện tích trên 20 ha. Đồng thời, lên kế hoạch ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ đối với các HTX, nông hộ có diện tích trồng cam lớn trên địa bàn. HTX đã triển khai xây dựng nhà máy chế biến hoa quả trên diện tích gần 3 ha, sử dụng dây chuyền công nghệ, hệ thống máy móc hiện đại với vốn tự có của doanh nghiệp khoảng 26 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Tháng 11/2020 ban lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam đã có buổi hội nghị cùng đoàn đại diện từ Hợp tác xã Hà Phong. Trong buổi làm việc, hai bên cùng trao đổi và quyết định công nhận Hợp tác xã Hà Phong là thành viên liên kết của Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam. Các sản phẩm chế biến từ cam tươi của HTX Hà Phong được phân phối chính thức và bày bán tại Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, các gian hàng hội chợ như “Gian hàng hội chợ tết Tân Sửu”. Tất cả các sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng sau khi sử dụng. Hiện tại, sản phẩm nước cam lên men, rượu cam, tinh dầu treo xe đang thuộc Top sản phẩm bán chạy tại điểm tiêu thụ.