Măng tây xanh là một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, được phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có hơn 200 ha măng tây xanh, được trồng nhiều nhất ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Cây măng tây xanh được xem là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Là một trong những hộ có thu nhập khá giả nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây xanh liên kết với hợp tác xã, ông Từ Văn Hay (xã An Hải, huyện Ninh Phước), cho biết: “Trước đây, gia đình trồng rau màu nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, qua tìm hiểu trên thị trường thấy cây măng tây xanh đang rất hút hàng, lại phù hợp với địa hình đất cát ở địa phương nên tôi quyết định mua giống măng tây của Hà Lan về trồng thử nghiệm. Hiện tại, với 3 sào măng tây xanh, mỗi ngày tôi thu hoạch từ 8 – 12 kg/sào. Sản phẩm sau thu hoạch được Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Với sản lượng thu hoạch đều đặn, mỗi tháng sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi có lãi từ 15 – 20 triệu đồng từ bán măng tây xanh”.
Ông Trần Duy Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), cho biết: “Hai năm gần đây, công ty chuyển sang trồng thêm măng tây xanh hữu cơ trên diện tích 30ha, lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Đây là cây trồng mới, công ty cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư các trang thiết bị công nghệ trong hệ thống tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt. Ngoài ra, công ty còn đầu tư sâu trong công nghệ chế biến sản phẩm sau thu hoạch như hệ thống nghiền bột, hệ thống sấy lạnh, đảm bảo hương vị, màu sắc măng tây xanh phục vụ làm bột dinh dưỡng để đưa ra thị trường”.
Theo ông Hải, chu kỳ khai thác măng tây xanh một năm sẽ cho thu hoạch 9 tháng liên tục. Hiện tại, 30ha măng tây trồng tại đây thu 30kg sản phẩm/ngày. Giá loại 1 hiện nay dao động hiện nay từ 55.000 đồng – 60.000 đồng/kg, còn loại 2 giá hơn 40.000 đồng/kg. Công ty cũng đang tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động là người dân địa phương với mức lương từ 4,5 triệu đồng – 5,5 triệu đồng/tháng.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Sau 30 năm năm tái lập tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã có bước phát triển khá trên các mặt, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 1992-2021 đạt 7,2%; chiếm 30,02% GRDP của tỉnh vào năm 2021, luôn là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, nhất là trong 2 năm 2020 – 2021, đã tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội của người dân vùng nông thôn trong đại dịch COVID-19”.
Cũng theo ông Cương, nông nghiệp có nhiều đột phá khi chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy phát triển lên kinh tế nông nghiệp liên kết dịch vụ đầu vào, sản xuất đến tiêu thụ nông sản thông qua các chuỗi giá trị. Đặc biệt là các sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được phát triển theo chuỗi giá trị với 69 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh; tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được chú trọng; các cây trồng có giá trị, có lợi thế cạnh tranh như nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây… được nâng cao năng suất và chất lượng; các mô hình tưới tiết kiệm nước, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được triển khai nhân rộng. Đáng chú ý, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, thu nhập trên ha đất canh tác tăng từ 57 triệu đồng năm 2005 lên 132 triệu đồng năm 2021.
Trong giai đoạn mới, nông nghiệp Ninh Thuận có những cơ hội mới, đó là xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển kinh tế số, chuyển đổi số theo hướng hiện đại, đồng bộ, đồng thời phát huy các giá trị khác biệt của nông nghiệp vùng bán khô hạn gắn với phát triển thị trường và từng bước tiến đến xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận xác định (Nghị quyết 06-NQ/TU), phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, khác biệt, có lợi thế của tỉnh. Nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phát huy đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật; các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xem đây là giải pháp đột phá, trọng tâm, động lực để phát triển, góp phần tăng trưởng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo cho người dân.