Sau thời gian thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn TX. Hương Thủy đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng phát triển thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế.
Những tín hiệu vui
Đến nay, Hương Thủy có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm: gạo Thủy Thanh (3 sao), hương sạch Tân Nguyên (4 sao), nhạc cụ truyền thống Tân Châu (3 sao), tinh dầu tràm Huế Kim Vui (4 sao), tinh dầu thanh trà Huế (4 sao).
Ông Ngô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho hay, sau khi tổ chức nhiều đợt hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, chào bán sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị, chương trình OCOP của thị xã nhận được những phản hồi tích cực, một số mặt hàng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, như tinh dầu tràm, tinh dầu thanh trà, hương sạch…
Có mặt ở hơn 10 tỉnh, thành trên cả nước và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu độc quyền, bên cạnh tạo dựng được thương hiệu, có vị thế trong lĩnh vực sản xuất hương sạch, hương sạch Tân Nguyên của Công ty TNHH MTV Tân Nguyên (xã Thủy Phù) còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thông qua hợp tác trồng cây nguyên liệu, luôn trì khoảng 40 lao động tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm.
Trong khi đó, những sản phẩm từ tinh dầu thanh trà của Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Liên Minh Xanh (xã Dương Hòa) rất được khách hàng trong nước, quốc tế ưa chuộng. Sản phẩm từ tinh dầu thanh trà của công ty đã giành được nhiều giải thưởng uy tín, như: Giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên năm 2018; giải nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TX. Hương Thủy năm 2021.
Với việc vươn ra thị trường nước ngoài, sản phẩm từ tinh dầu thanh trà không chỉ góp phần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho loại cây đặc sản của Huế mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời mở ra hướng canh tác bền vững cho loại cây đặc sản này trong tương lai.
Còn về tinh dầu tràm Huế Kim Vui, từ sự thích ứng linh hoạt trong việc cho ra đời nhiều sản phẩm mới có chất lượng, tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp tích cực trong việc duy trì, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, Công ty TNHH MTV Sản xuất tinh dầu Kim Vui đã được UBND tỉnh tôn vinh là doanh nghiệp xuất sắc và là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2018, được Trung ương Hiệp Hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam.
Những kết quả tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói trên chính là cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới.
Ngoài 5 sản phẩm trên, Hương Thủy đưa thêm 3 sản phẩm: Áo dài truyền thống SH, trà mướp đắng túi lọc và mướp đắng sao khô Thủy Dương, nấm dược liệu đông trùng hạ thảo vào triển khai thực hiện chương trình OCOP. Đến hiện tại, trà mướp đắng túi lọc và mướp đắng sao khô Thủy Dương đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến được công nhận đạt chuẩn 3-4 sao cuối năm nay.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Những năm qua, Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao năng suất lao động, làm tăng giá trị, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho các chủ thể, khơi dậy tiềm năng phát triển của các sản phẩm đặc sản, đặc trưng truyền thống ở mỗi địa phương.
Mặc dù vậy, nhìn nhận về những khó khăn, ông Ngô Văn Vinh cho rằng: “Đầu tiên là nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa tích cực nên chương trình OCOP triển khai không đúng kế hoạch. Một số đơn vị, địa phương vẫn lúng túng, chưa xác định, lựa chọn được sản phẩm cụ thể để đăng ký triển khai. Mặt khác, do ảnh hưởng của COVID-19 trong những năm qua đã hạn chế hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa, nên doanh thu và lợi nhuận giảm đáng kể; một số sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP chưa được duy trì, phát triển…”.
OCOP là một chương trình quan trọng, lãnh đạo TX. Hương Thủy cho rằng, giải pháp sắp tới trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh tập trung xây dựng thương hiệu thông qua công tác nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng rất quan trọng. Theo đó, đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm thì tiến hành đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm làng nghề, các địa phương, đơn vị tập trung hoàn thiện hồ sơ để được công nhận thương hiệu sản phẩm và nhãn hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Ông Ngô Văn Vinh cho biết: “Việc phát triển các sản phẩm có tiềm năng thế mạnh sẽ tạo thêm những sản phẩm OCOP như, gà đồi Phú Sơn, cá Thủy Tân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại,… để hỗ trợ chương trình. Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP”.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/khang-dinh-thuong-hie-u-nang-cao-uy-tin-tren-thi-truong-a121088.html