Từ thực tiễn cuộc sống, hội viên phụ nữ tỉnh Đắk Nông phát huy khả năng sáng tạo, với các ý tưởng khởi nghiệp về phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương – sản phẩm OCOP.
Phát triển sản phẩm OCOP mang lại nhiều lợi ích
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp tỉnh Đắk Nông mở 24 lớp tập huấn về hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, nâng cao kiến thức khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp, kiến thức OCOP, phát triển thương hiệu sản phẩm… thu hút 1.455 hội viên, phụ nữ tham gia. Các chị em linh động, sáng tạo chế biến dược liệu thành các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong và ngoài tỉnh như: cà phê, hạt mắc ca sấy, hạt điều rang muối, trà mãng cầu, hạt tiêu khô, cam…
Hội tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp như: “Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp”, “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” tôn vinh, trao giải 48 ý tưởng/dự án có tính khả thi, hiệu quả. Hội giới thiệu 23 ý tưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp Trung ương Hội. Trong đó, Dự án “Xây dựng chuỗi giá trị cà phê sạch Đắk Nông kết hợp du lịch sinh thái” xuất sắc vào vòng chung khảo cấp vùng năm 2020. Qua đó, chị em có cơ hội giao lưu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình khởi nghiệp thành công.
Sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữ Đắk Nông thu hút sự quan tâm của khách hàng |
Chị Tôn Nữ Ngọc Như, chủ hộ kinh doanh thu mua chế biến nông sản Như Ý, với sản phẩm OCOP đạt 3 sao “Hạt mắc ca Như Ý”, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) chia sẻ, sản phẩm đặc trưng của Tuy Đức là mắc ca, được mệnh danh là “nữ hoàng” trong các loại hạt khô, rất nhiều người ưa chuộng. Vì vậy, chị xây dựng quy trình từ chọn lựa, tách, sấy hạt để có được sản phẩm tốt nhất đối với người tiêu dùng.
“Tham gia phát triển sản phẩm OCOP, tôi thấy mang lại rất nhiều lợi ích. Các sản phẩm của gia đình làm ra dễ dàng tiêu thụ hơn và giúp cho kinh tế của gia đình phát triển và ổn định”, chị Tôn Nữ Ngọc Như bộc bạch.
12/47 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ
Nhận thấy lợi ích của kinh tế tập thể theo mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi, tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, các cấp hội kết nối, tư vấn, hỗ trợ giúp 185 chị khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; thành lập mới 4 hợp tác xã do phụ nữ quản lý như HTX Đan thêu Thanh Hằng; HTX sản xuất nông nghiệp an toàn Hòa Hưng; HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Đức Mạnh; HTX Tin True Coffee tạo việc làm ổn định cho 504 lao động nữ. Bên cạnh đó, các cấp hội thường xuyên tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên lập nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 12/47 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ thể.
Các sản phẩm OCOP của chị em Hội LHPN huyện Đắk Song |
Bà H’Vi Ê Ban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Thông qua chương trình OCOP, ngày càng có nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên tại quê hương mình, nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp bằng sản phẩm OCOP nhằm góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động hỗ trợ dự án và ý tưởng của phụ nữ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Các cấp hội vận động tổ chức, cá nhân huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Đồng thời, hội tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân điển hình tiên tiến, cách làm hay để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Nguồn: http://baodaknong.org.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham/phu-nu-%C3%B0ak-nong-khoi-nghiep-bang-san-pham-ocop-96495.html