Lâm Đồng đưa đặc sản nông thôn đến gần người tiêu dùng

Thông qua chương trình OCOP, các đặc sản mang bản sắc của vùng nông thôn huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) được nâng tầm và đến gần hơn với người tiêu dùng.

Chắp cánh thương hiệu cho đặc sản

Đạ Tẻh là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng và là vùng tiếp giáp giữa cao nguyên Di Linh và vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là vùng đất có tiềm năng, lợi thế trong phát triển đa dạng cây trồng vật nuôi.

Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết, những lợi thế về điều kiện tự nhiên kết hợp lịch sử, văn hóa và sự cần cù chịu khó của người dân đã tạo nên nhiều sản phẩm mang tính chất đặc thù. Để các đặc sản ra với thị trường, đến gần hơn với người tiêu dùng, thời gian qua huyện Đạ Tẻh đã tập trung xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

chương trình ocop đạ tẻ
Cuối năm 2022, huyện Đạ Tẻh đã đề xuất Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đánh giá, phân hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm vú sữa hoàng kim và các loại trái cây khác. Ảnh: Minh Hậu.

Đến nay, huyện có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó bao gồm sản phẩm nếp quýt Đạ Tẻh (Hợp tác xã Quyết Tâm); tơ tằm của Công ty CP tơ lụa Minh Quân; hạt điều rang muối của Công ty Chánh Thu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm như sầu riêng, bưởi da xanh của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ trái cây Mỹ Đức; quýt đường Thái Sơn; rượu nếp quýt của cơ sở sản xuất Hoàng Thị Sinh; bánh lọc, chả lụa của Tổ hợp tác giò chả Đạ Lây đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh, trong các tháng cuối năm 2022, huyện đã đề xuất Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đánh giá, phân hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các đặc sản như ổi ruột đỏ (ổi ruby); vú sữa hoàng kim, sầu riêng đông lạnh và tranh bút lửa của 4 chủ thể.

chuong trình ocop 2 đạ tẻ
Tại huyện Đạ Tẻh, các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp địa phương có thêm hàng hóa để cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên cho biết, trong năm 2022, huyện đề xuất tỉnh Lâm Đồng đánh giá, phân hạng và chứng nhận OCOP cho 7 sản phẩm gồm mứt, nước cốt và tầm bóp sấy khô; hạt điều sữa, bột ca cao sữa, gạo hạt ngọc.

Xây dựng OCOP gắn với du lịch cộng đồng

“Đối với huyện Cát Tiên, chương trình OCOP đã làm tăng số lượng sản phẩm có giá trị. Thông qua việc xây dựng các sản phẩm OCOP, địa phương đã hình thành và phát triển chuỗi liên kết, làm tăng quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm. Chương trình OCOP cũng góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản xuất và tăng giá bán cho sản phẩm”, ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên nói.

ocop cat tien
Sản phẩm bột ca cao nguyên chất Cát Tiên của Tổ hợp tác sản xuất chế biến ca cao (huyện Cát Tiên) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên, chương trình OCOP tại địa phương đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt là các chủ thể sản xuất, các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề đã được phát triển để góp phần giữ gìn văn hóa, nâng cao sinh kế cho người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất.

Trong thời gian tới, huyện Cát Tiên tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là xác định các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của địa phương để đăng ký kế hoạch phát triển OCOP trong tương lai. Huyện cũng tổ chức đánh giá chuỗi giá trị các sản phẩm tiềm năng đạt từ 3 sao trở lên để có biện pháp hỗ trợ trong liên kết, sản xuất tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ công nghệ về trang thiết bị máy móc, xúc tiến thương mại.

DSC_6097
Thời gian tới, huyện Cát Tiên tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với chương trình OCOP tại huyện Đạ Tẻh, ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết, các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp địa phương có thêm các loại hàng hóa để cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, huyện Đạ Tẻh tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển OCOP. Theo đó, huyện tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt mang bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đồng bào dân tộc thiếu số như: rượu cần, rượu nếp quýt, rượu nếp quý đòng đòng, hạt mắc mật, sản phẩm măng chua…

“Huyện Đạ Tẻh có tiềm năng về phát triển sản phẩm nông nghiệp, có danh lam thắng cảnh, có sông suối, hồ đập đẹp và hùng vĩ nên huyện ấp ủ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng. Hy vọng những năm tới, hình ảnh về một Đạ Tẻh đầy bản sắc và đặc sản sẽ đến gần hơn nữa với người dân, du khách”, ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh chia sẻ.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/dua-dac-san-nong-thon-den-gan-nguoi-tieu-dung-d339256.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *