Trong số 40 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có đến hơn một nửa với chủ thể là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trong đó có 9 sản phẩm OCOP 4 sao và 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Từ năm 2019, UBND tỉnh triển khai đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống. Đây là cơ hội để các HTX nghề truyền thống phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.
HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Điền) lúc đó có nhiều lợi thế trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Bao La được nhiều người biết đến là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh xảo và chất lượng cao. Từ khi HTX được tham gia chương trình OCOP đã có có nhiều chuyển biến tích cực. Trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã tinh xảo, giá trị hơn, giá cả hợp lý hơn.
Từ các hội thi, hội chợ, sản phẩm mây tre đan Bao La được đánh giá phù hợp OCOP, đến năm 2020 được tỉnh đánh giá đạt tiêu chuẩn 4 sao. Từ đó sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, doanh thu hàng năm tăng từ 20% đến 30%, thu nhập của thành viên tăng từ 10% đến 15%/năm. Tháng 6 năm nay, HTX đã hoàn thành hồ sơ, được hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua và đang đề nghị Trung ương đánh giá phân hạng OCOP 5 sao.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn khẳng định, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị do các HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp thực hiện. Đây là hướng đi phù hợp trong phát triển các sản phẩm nông, đặc sản có quy mô, mang tính đặc trưng và có dư địa phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Các HTX thông qua việc tham gia phát triển sản phẩm OCOP đã nâng cao trình độ, năng lực quản lý, chú trọng chất lượng, quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Chương trình OCOP thời gian qua có sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên toàn tỉnh trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Nhiều HTX tích cực, chủ động tham gia chương trình OCOP, thích ứng với các yếu tố, quy luật kinh tế thị trường, các sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng cao, mẫu mã hoàn hảo.
Khi tham gia chương trình OCOP, các HTX đã hình thành các mô hình liên kết kinh tế, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ, kỹ thuật cao. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định thu nhập cho thành viên. Đồng hành với chương trình OCOP, nhiều HTX đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã và đang thành lập mới, tạo phong trào sản xuất sôi động, rộng khắp trên các vùng miền của tỉnh.
Sau hơn hai năm triển khai, chương trình OCOP đã và đang tạo được nhiều điểm nhấn trong phát triển sản phẩm nông thôn của HTX. Tỉnh Thừa Thiên Huế là 1 trong 12 tỉnh được Trung ương thí điểm về chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 40 sản phẩm được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao; trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm đạt 3 sao. Có 4 sản phẩm được Trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao là nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành, nước mắm và mắm làng nghề Phú Thuận, sản phẩm mây tre đan Bao La và sản phẩm dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch tại TP. Huế.
Điều đáng mừng đối với kinh tế tập thể là có đến 21/40 sản phẩm OCOP với chủ thể là HTX, tổ hợp tác, có 9/16 sản phẩm OCOP 4 sao và 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đều của các HTX. Các sản phẩm OCOP đã có nhiều chuyển biến rõ nét về chất lượng và bao bì, nhãn mác, nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực. Đây là kết quả bước đầu rất quan trọng, có ý nghĩa và tạo động lực trong thực hiện chương trình OCOP những năm tiếp theo.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/hop-tac-xa-voi-san-pham-ocop-a121524.html