Các cơ sở OCOP tại Thanh Hoá tất bật sản xuất hàng tết

Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các HTX, tổ hợp tác, đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh đang tất bật chuẩn bị hàng tết để cung ứng cho thị trường. Tại một số cơ sở có sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh, không khí sản xuất càng thêm nhộn nhịp, hàng hóa được sản xuất khá dồi dào.

Sản xuất bánh ở cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa Nam Hương (thôn 5, xã Định Long, Yên Định).

Ngay từ cuối tháng 11-2022 cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa Nam Hương, thôn 5, xã Định Long (Yên Định) đã rất nhộn nhịp, khi 6 lao động vừa nhào bột, trộn thịt vừa gói bánh để chuẩn bị cho các đơn đặt hàng của khách sỉ lẫn khách lẻ. Nếu như những tháng trước, mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 1.200 đến 1.500 cái/ngày, nhưng từ tháng 11-2022 đến nay đã tăng lên hơn 3.000 cái/ngày. Bà Hoàng Thị Hương, chủ cơ sở cho biết: “Từ khi sản phẩm bánh lá răng bừa Nam Hương được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, thương hiệu của chúng tôi đã được nhiều người biết đến nên đơn đặt hàng cũng tăng. Tính đến thời điểm này, sản lượng bánh của cơ sở đã cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 đến 2.500 cái, cao hơn 1,8 lần so với cùng kỳ. Do đó, cơ sở phải thuê thêm nhân công, mua sắm máy nhào bột, bếp, chảo công suất lớn. Đồng thời, khuyến khích, động viên lao động làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng nhất”.

Cùng với sản phẩm bánh răng bừa Nam Hương, trên địa bàn huyện Yên Định còn 14 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Những ngày gần tết được coi là đợt cao điểm sản xuất lớn nhất trong năm, các cơ sở cũng đẩy nhanh tiến độ, nâng cấp bao bì, nhãn mác để đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định Nguyễn Xuân Tùng, cho biết: Hiện nay toàn huyện có 15 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu của thị trường về các sản phẩm OCOP của huyện tăng cao, không chỉ đơn thuần là sử dụng mà còn làm quà biếu. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm tại các gian trưng bày, triển lãm của tỉnh, UBND huyện còn khuyến khích các chủ thể đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự ước, mức tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ tăng từ 10 – 15% trở lên so với cùng kỳ.

Tại cơ sở sản xuất thực phẩm An Tâm, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân), không khí làm việc cũng sôi động và tất bật không kém. Biết chắc rằng, nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến nhanh, an toàn dịp tết của người dân sẽ tăng cao nên từ khâu chọn thịt, sơ chế, chế biến thành phẩm đến bán ra thị trường đều được cơ sở thực hiện một cách cẩn thận nhất. Hiện tại, cơ sở có 5 sản phẩm từ thịt lợn và 3 sản phẩm từ gà, bê, bò. Trong đó, sản phẩm “thịt lợn muối An Tâm” được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ðây là tiền đề quan trọng để cơ sở tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị trí trên thị trường.

Cầm trên tay những túi quà tết bắt mắt mang thương hiệu “Thịt lợn muối An Tâm”, ông Lê Văn Tòng, chủ cơ sở sản xuất An Tâm chia sẻ: “Nếu tết năm ngoái cơ sở bán được 3 tấn thịt lợn muối, thì năm nay dù chưa hết tháng 12 đã có 4.500 tấn sản phẩm được sản xuất và giao đến tay khách hàng. Để bước vào dịp sản xuất lớn nhất trong năm, chúng tôi đang tập trung tăng thêm công nhân để sản xuất kịp các đơn hàng, ước tính từ nay đến 28 tết sẽ cung cấp cho thị trường thêm 1.000 tấn thịt”.

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 14 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng là một phần trong sinh hoạt, tín ngưỡng ngày tết của người dân, như: Bưởi Luận Văn, nem nướng, giò lụa… Do đó, những ngày cuối năm cũng là thời gian để các chủ thể đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Về vùng sản xuất bưởi Luận Văn, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) càng trở nên nhộn nhịp khi khách hàng từ mọi miền tìm về để đặt hàng. Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn 7, xã Thọ Xương, cho biết: Bưởi Luận Văn là sản vật nổi tiếng, mùi thơm đặc trưng, là một trong những thứ quả trong mâm ngũ quả nên được người tiêu dùng săn đón. Những năm gần đây giá bưởi ổn định, dao động từ 50 đến 100 nghìn đồng/quả tại vườn, nếu chủ vườn chú ý tạo hình tài – lộc, in chữ thì giá có thể lên đến 500 nghìn đồng/quả. Vì vậy doanh thu có thể đạt 600 triệu đồng/ha, nhờ đó thu nhập của người trồng bưởi ổn định, có điều kiện đầu tư, chuyên sâu phát triển sản phẩm.

Tính đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao… Để tạo sức lan tỏa và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể đã tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy đến thời điểm hiện tại việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và làm tặng phẩm trong dịp lễ, tết, các cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn, đưa sản phẩm OCOP vào các giỏ quà tặng. Đây là một trong những giải pháp giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh, lan tỏa ra thị trường và góp phần phát triển thương hiệu OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Những ngày cuối năm, khi không khí tết đang náo nức, nhộn nhịp cũng là dịp các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP bước vào giai đoạn đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Với sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, người dân có thêm cơ hội lựa chọn các sản phẩm OCOP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá bán phù hợp trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/kinh-te/cac-co-so-ocop-tat-bat-san-xuat-hang-tet/175139.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *