Có đến 2 hợp tác xã có sản phẩm OCOP xuất khẩu sang thị trường được đánh giá “khó tính” là Châu Âu và Nhật Bản, Bắc Kạn không chỉ tạo nên “hiện tượng” với hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước mà thành công bước đầu này đã mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào vùng cao.
Dịp cuối năm, nhất là dịp Tết cổ truyền sắp tới, với bà Nguyễn Thị Hường, Việt kiều sinh sống tại Thành phố Brandys nad Labem cũng như nhiều người Việt sinh sống tại Cộng hòa Séc thì Trung tâm thương mại SAPA luôn là điểm đến quen thuộc. Ngoài những mặt hàng như: nem, giò chả, gạo nếp, lạp sườn… ngày tết, gia đình bà không thể thiếu món canh miến mang đậm chất quê Việt. Bà Hường khá hài lòng với loại miến dong của Việt Nam thay vì phải dùng các sản phẩm từ nước khác. Bởi vì ở đây, để tìm được một loại miến dong có vị thơm đặc trưng, sợi dai, mềm và có màu tự nhiên là điều không dễ.
“Gia đình tôi rất hài lòng với loại miến này, đây là miến thơm, ngon, sợi dai chất lượng, nấu được nhiều món khác nhau và đậm chất truyền thống, nhất vào dịp tết cổ truyền món ăn cũng giúp chúng tôi bớt nỗi nhớ nhà khi xa quê hương. Tôi tự hào về những sản phẩm của người Việt Nam mình làm ra chất lượng và được đưa sang Châu Âu như thế này…”, bà Nguyễn Thị Hường nói.
Người tiêu dùng ở Séc có lẽ càng bất ngờ hơn khi sản phẩm tiêu chuẩn OCOP 5 sao này lại đến từ một HTX nhỏ do chị Nguyễn Thị Hoan, một phụ nữ người dân tộc Tày làm chủ tại xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
Dẫn chúng tôi thăm cơ ngơi nhà xưởng, chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX cho biết, HTX vừa hoàn thành chuyến hàng thứ tư sang Cộng hòa Séc, ngay sau đó, hơn 30 công nhân lại tất bật tăng ca để kịp sản phẩm cho những đơn hàng dịp cuối năm. Lần này là khoảng 20 tấn miến OCOP 5 sao phục vụ cho các tỉnh từ Thái Nguyên, Hà Nội đến Bình Dương, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh… Sau khi tạo ra “hiện tượng” khi sản phẩm vượt qua được những quy định ngặt nghèo để sang trời Âu tháng 8/2020, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã trở thành mặt hàng hot trên thị trường, miến làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đến nay, đơn vị đã ký hợp đồng liên kết trồng và tiêu thụ củ dong với hơn 500 hộ dân.
Nhớ lại những bước đi đầu tiên, chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX miến dong Tài Hoan nói: “Trước khi sản phẩm sang được Châu Âu là một quá trình mất tới 5-6 tháng chuẩn bị. Đầu tiên về sản xuất thì vùng nguyên liệu phải sạch, sản phẩm phải đồng bộ, chế biến theo quy trình khép kín, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, chất lượng. Thứ hai về mẫu mã cũng phải sản xuất theo đúng tiêu chuẩn do đối tác yêu cầu, bên đó họ phê duyệt sau đó HTX mới in mẫu mã, bao bì”.
Thành công của HTX Tài Hoan đã trở thành kinh nghiệm quý cho các đơn vị, hợp tác xã tại Bắc Kạn trên con đường mở rộng thị trường ngoài nước. Tháng 10/2022, Bắc Kạn tiếp tục có HTX nông nghiệp thứ hai tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đưa được sản phẩm Rượu men lá OCOP 3 sao sang thị trường cũng không kém phần khắt khe là Nhật Bản. Với việc chỉ sau vài năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bắc Kạn có tới 2 HTX nông nghiệp có sản phẩm xuất sang các thị trường khó tính đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp, HTX trong việc mở rộng thị trường. Thay vì chỉ loay hoay với những thị trường trong nước, các hợp tác xã vùng cao đã có bước đi dài mang tính đột phá. Với 170 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao trở lên, xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn cũng sẽ là hướng đi mới cho nông sản Bắc Kạn.
“Các hợp tác xã như chúng tôi cảm thấy cần cố gắng, nỗ lực hơn để hoàn thiện vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, nhà xưởng, máy móc đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Từ đó sẽ kết nối, hợp tác với các đơn vị có đủ khả năng giúp chúng tôi kết nối sản phẩm ra nước ngoài. Đây là động lực tốt, lan tỏa để chúng tôi cố gắng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều sản phẩm đưa ra thị trường nước ngoài”, anh Lường Đình Hùng, Giám đốc HTX thành niên Như Cố chia sẻ.
Còn theo chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương: “Đây là động lực và mục tiêu mà các hợp tác xã chúng tôi hướng tới. Như HTX Yến Dương chúng tôi có sản phẩm Bí xanh thơm được chứng nhận OCOP và có sản phẩm tinh chế như trà bí xanh thơm, chúng tôi cũng có sản phẩm miến dong. Chúng tôi đặt mục tiêu 3-5 năm hoặc ngay trong thời gian tới cũng sẽ có sản phẩm xuất ra thị trường nước ngoài để nâng cáo giá trị thương hiệu cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho hợp tác xã”.
Trên cơ sở thành công của những mô hình này, Bắc Kạn tiếp tục định hướng cho một số sản phẩm như quả mơ vàng, các loại gạo đặc sản, sản phẩm dược liệu… ra các thị trường ngoài nước. Để làm được điều này, ngoài việc tiếp tục củng cố chất lượng các sản phẩm OCOP, từ năm 2023, Bắc Kạn sẽ mạnh dạn tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài.
“Để tham gia xuất khẩu được quan trọng sản phẩm của Bắc Kạn phải bằng lợi thế cạnh tranh về chất lượng, điều kiện đặc thù và giá trị đặc hữu riêng của sản phẩm. Tôi cho rằng việc có các sản phẩm xuất khẩu đã thay đổi nhận thức, tư duy và động lực để người dân Bắc Kạn dám nghĩ, dám làm. Trước đây, người dân nghĩ là tạo ra sản phẩm có bao bì nhãn mác đã khó rồi, việc xuất khẩu là để doanh nghiệp lớn. Nay người dân tin rằng nếu mình làm có quyết tâm và có động lực đó là nếu quyết tâm làm thì sản phẩm của mình sẽ đúng theo phương châm của chương trình OCOP đó là sản phẩm từ làng, hướng ra toàn cầu”, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nói.
Thành công của hai hợp tác xã tại Bắc Kạn khi đã vươn tới thị trường Châu Âu và Nhật Bản đã cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, có sự mạnh dạn và một cách làm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu chất lượng, mẫu mã… các hợp tác xã nông nghiệp dù ở quy mô vừa và nhỏ hoàn toàn có thể vươn tới những thị trường lớn trên thế giới.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-huong-di-moi-cho-san-pham-ocop-bac-kan-post992675.vov