Sản phẩm OCOP chinh phục thị trường mới

Chứng nhận OCOP đã trở thành “giấy thông hành” để các thương hiệu Hải Dương khẳng định vị thế trong nước và vươn ra quốc tế. Từ đó, tạo những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, làm nên những giá trị mới và nâng tầm sản phẩm.

Đại diện doanh nghiệp nước ngoài (bên trái) thưởng thức quả vải tươi Thanh Hà tại vùng trồng của Công ty CP Ameii Việt Nam
Từ những món đặc sản quê hương, nhiều sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Hải Dương đã vươn xa và tạo dấu ấn ở thị trường quốc tế.

Vải thiều Thanh Hà với vị ngọt thanh, thơm mát, cùi dày màu trắng ngà, hạt nhỏ, không có vị chát và hạt to như vải ở một số nơi khác. Đây là những điểm nổi bật làm cho vải thiều trở thành một trong những loại hoa quả nhập khẩu được người tiêu dùng tại nhiều nước mong chờ. Năm 2021, sản phẩm OCOP 4 sao vải tươi Queen Thanh Ha Lychee của Công ty CP Ameii Việt Nam đã được xuất khẩu ra thị trường nhiều nước. Trong vụ vải năm 2022, doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoảng 2.000 tấn vải vào thị trường các nước, tăng gấp đôi năm trước đó. Năm 2022 cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp xuất khẩu được vào thị trường các nước Đức, Pháp và Anh.

Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, doanh nghiệp đã hợp tác với nhiều bạn hàng ở các thị trường khó tính như Singapore, EU, Australia, Nhật Bản, Mỹ… để xuất khẩu sản phẩm vải tươi. Sau khi được thưởng thức vị ngon của quả vải Thanh Hà, người tiêu dùng ở các nước này đều rất hào hứng đón nhận. 

Bánh đa cá rô đồng cũng là món ăn bình dị gần gũi với bao thế hệ người dân Hải Dương. Nhưng việc đưa món ăn dân dã, đậm vị quê này trở thành mặt hàng xuất khẩu không phải chuyện dễ dàng. Bằng tâm huyết cùng sự dày công nghiên cứu, chị Bùi Thị Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Khánh Thọ (phường Hải Tân, TP Hải Dương) đã tạo ra sản phẩm bánh đa cá rô đồng ăn liền.

Nguyên liệu để sản xuất bánh đa cá rô đồng ăn liền được lựa chọn từ những sản phẩm đặc trưng là hạt gạo dẻo thơm, cá rô đồng béo ngậy và các loại rau gia vị đều ở các trang trại khép kín của công ty tại TP Chí Linh. Nước cốt xương cá hòa quyện vào từng sợi mỳ giúp giữ lại hương vị đặc trưng nhất của món ăn. Năm 2019, sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP 4 sao; năm 2021 xuất khẩu chính ngạch sang Cộng hòa Séc. Hiện mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu trên 5.000 thùng mỳ vào thị trường các nước Séc, Nhật Bản, Lào, Campuchia và được cộng đồng người Việt tại đây đón nhận. Chị Khánh tiết lộ, đầu năm 2023, bánh đa cá rô đồng sẽ tiếp tục gõ cửa thị trường Mỹ và các nước khu vực Trung Đông.

Khẳng định được thương hiệu và tạo dấu ấn ở thị trường nhiều nước là động lực để các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP không ngừng nỗ lực mở rộng thị trường.

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của Công ty CP Hoàng Giang là sản phẩm bánh đậu duy nhất được bảo hộ độc quyền tại Nhật Bản
Công ty CP Hoàng Giang ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đã xuất khẩu sản phẩm OCOP bánh đậu xanh Rồng Vàng Hoàng Gia theo đường chính ngạch thành công. Bên cạnh việc gìn giữ hương vị truyền thống, doanh nghiệp không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm để phù hợp thị trường các nước. Nhờ nỗ lực không ngừng, các sản phẩm OCOP của Hoàng Giang đã xây dựng được thị trường xuất khẩu rộng khắp các nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada… Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất của “làng bánh đậu xanh” Hải Dương được bảo hộ độc quyền tại Nhật Bản.

Ông Đào Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Giang cho biết Nhật Bản là thị trường khó tính, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này thì sẽ dễ dàng chinh phục được các thị trường khác. Doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới sản phẩm như thay đổi hương vị, bánh đậu ít ngọt, ít béo và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Nguồn nguyên liệu chất lượng cùng nhiều khâu chế biến khắt khe đã giúp kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm lên 9 tháng thay vì chỉ từ 5 – 6 tháng như trước. Đây là một lợi thế trong vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa.

“Đầu năm 2023, Hoàng Giang sẽ xuất khẩu những lô bánh đậu đầu tiên sang thị trường Mỹ và Canada. Thị trường cuối cùng mà doanh nghiệp hướng tới sẽ là Trung Quốc, bởi đây là thị trường không quá khó tính nhưng lại rất tiềm năng bởi sản lượng tiêu thụ lớn”, ông Chuyện chia sẻ.

Chứng nhận OCOP đang trở thành “giấy thông hành” để lan tỏa thương hiệu sản phẩm Hải Dương tại thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Từ đó, tạo những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững sản phẩm OCOP, tạo nên những giá trị mới và nâng tầm sản phẩm mang thương hiệu. 

Vải thiều, bánh đậu xanh hay bánh đa cá rô đồng… là những món ăn đặc sản nổi tiếng của xứ Đông. Hương vị thơm ngon đặc trưng tạo nên sự khác biệt với những món ăn ở vùng miền khác. Trước đây, phải tới Hải Dương mới có thể thưởng thức những đặc sản này, nhưng giờ đây với công nghệ hiện đại, kỹ thuật đổi mới, những món ăn đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam và ghi được dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là thỏa lòng nhớ quê của nhiều người Việt xa xứ.

Dù việc xuất khẩu sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị, tuy nhiên trong gần 200 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh mới chỉ có hơn 10 sản phẩm được xuất khẩu.

Nguồn: https://baohaiduong.vn/thi-truong/san-pham-ocop-chinh-phuc-thi-truong-moi-223212

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *