Miến làng So – sản phẩm OCOP Hà Nội vào vụ Tết

Những ngày cận Tết Quý Mão, không khí sản xuất ở làng So, xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) vô cùng nhộn nhịp. Thời gian này, người làng nghề “căng mình” sản xuất, mỗi ngày đưa ra thị trường hàng trăm tấn miến khô. Hình ảnh những phên miến được phơi trải rộng trên cánh đồng bát ngát vừa thân thương, vừa ấm áp khi Tết đang đến rất gần.

 “Cánh đồng miến” ở xã Tân Hòa.

“Cỗ yến thiếu miến làng So”…

Người làng So vẫn truyền tụng câu ca “Cỗ yến thiếu miến làng So”… để khoe về sản phẩm nức tiếng quê mình. Ý rằng, dù cho có mâm cao cỗ đầy, nhưng nếu thiếu món miến của làng So thì chưa trọn vẹn…

Nghề làm miến ở làng So có từ rất lâu đời, những người cao tuổi trong làng cũng không nhớ rõ nghề làm miến có tự khi nào. Chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống mà ông cha bao đời để lại. Theo các cụ trong làng, tên gọi miến làng So gắn liền với ngôi đình So, một trong những ngôi đình cổ kính, đẹp bậc nhất xứ Đoài: “Đẹp đình So, to đình Cấn”.

Theo những người làm nghề, hương vị đặc trưng của miến làng So được tạo nên một phần nhờ bí quyết truyền thống của làng nhưng một phần có lẽ do được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước giếng vừa trong, vừa ngọt, người dân lấy nước giếng làng để làm miến.

 Người dân làng So phơi miến trên đồng.

Về nguyên liệu, từ bao đời nay, người làng So vẫn sử dụng 100% bột củ dong riềng để làm miến, không pha trộn bất cứ nguyên liệu khác. Tuy vậy, quy trình làm thì khác. Trước đây, để làm được một mẻ miến, người làm nghề phải thực hiện từ A đến Z, tức là từ khâu xử lý củ dong riềng để lấy tinh bột rồi mới đem bột đó đi tráng và phơi miến. Hiện nay, các hộ làm miến dong ở xã Tân Hòa liên kết với các vùng nguyên liệu trong và ngoài thành phố như các xã: Minh Hồng, Minh Quang của huyện Ba Vì hay các tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La… lấy bột dong về, chỉ việc làm miến nên không ảnh hưởng môi trường như trước và giảm khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các hộ.

Nhờ quy trình sản xuất với nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng cùng kinh nghiệm lâu năm và lợi thế riêng, miến dong làng So trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, được tiêu thụ mạnh trong nước và còn xuất khẩu…

Đổi mới quy trình sản xuất, tiếp cận thị trường

Nhờ đầu tư khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, các cơ sở sản xuất miến đạt năng suất và chất lượng cao hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Vương Trí Đạt, Tân Hòa hiện có hơn 60 lò miến, đều ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nên năng suất và sản lượng rất cao. Ước tính mỗi ngày, cả xã Tân Hòa sản xuất được trên 100 tấn miến khô.

“Các hộ sản xuất đã tăng công suất lên gấp 3 lần so với ngày thường nhưng vẫn chưa đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Nghề làm miến phát triển không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các chủ sản xuất mà còn tạo việc làm cho khoảng 900 lao động địa phương; đặc biệt, nghề còn tạo nét đẹp cho làng quê”, ông Đạt nói.

Ở xã Tân Hòa, Công ty sản xuất thương mại và xuất khẩu Dương Kiên là một trong những cơ sở sản xuất lớn và có thâm niên làm nghề miến dong nhiều năm nay. Anh Dương Đình Khôi, Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị đang có hơn 40 lao động làm việc. Do nắm bắt được công nghệ, gia đình anh Khôi đã đầu tư, mua sắm máy móc hiện đại, chuyển từ tráng miến thủ công sang sản xuất bằng máy theo dây chuyền khép kín. Miến của gia đình được đóng gói đẹp mắt, có truy xuất nguồn gốc và được xuất khẩu ra nước ngoài.

Dịp Tết Nguyên đán là cơ hội để các làng nghề thúc đẩy sản xuất. Là mặt hàng thiết yếu, các hộ sản xuất, kinh doanh mến ở Tân Hòa đang gia tăng sản lượng, kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tương tự, chị Xuân Thị Thúy – cơ sở miến dong Dũng Thúy, xã Tân Hòa chia sẻ, sản phẩm của gia đình chị đã tham gia đánh giá, phân hạng OCOP của thành phố, đạt 4 sao. Từ khi được công nhận, miến của gia đình chị được nhiều khách hàng biết đến, sản lượng tăng lên 30% so với trước khi tham gia OCOP. “Công nghiệp hóa phát triển, chúng tôi sản xuất được lượng miến lớn hơn so với thời xưa. Khi máy tráng xong, chúng tôi mang ra ngoài đồng để phơi, sau đó mang về xưởng cắt thành sợi, rồi lại mang ra phơi một lượt nữa”, chị Thúy chia sẻ.

Với lò sấy miến, gia đình anh Nguyễn Hữu Long chủ động trong việc sản xuất, không lo thời tiết mưa ẩm.

Không chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất, anh Nguyễn Hữu Long – chủ cơ sở An Khang cho biết, gia đình anh đã đầu tư dàn sấy miến chạy bằng điện để không phụ thuộc thời tiết như trước kia, không lo chỗ phơi hay mưa bão… Nhờ hệ thống máy móc hỗ trợ, mỗi ngày, gia đình anh Long làm được 4 tấn miến khô.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Vương Trí Đạt, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển thương hiệu miến sạch làng So. “Chúng tôi phối hợp với các cấp, các ngành ở huyện kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đề xuất thành lập khu công nghiệp Tân Hòa để nhân dân có mặt bằng sản xuất tập trung; đồng thời, việc quản lý chất lượng, xử lý chất thải ổn định hơn…”, ông Đạt cho biết.

Nghề làm miến đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện. Hầu hết các hộ làm nghề ở Tân Hòa đều có nhà cửa khang trang, mua sắm thêm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất và góp sức xây dựng nông thôn mới. Mới đây, xã Tân Hòa đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố đánh giá đạt đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Nguồn: https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/co-so/828368/mien-lang-so-vao-vu-tet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *