Quảng Ninh: Hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP bền vững

Thông qua chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đang trở thành thương hiệu mạnh, có mức tiêu thụ cao và dần tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Từ quảng bá sản phẩm qua các hội chợ

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước mạnh dạn khởi động và triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từ năm 2013 đến nay. Đồng thời, xác định đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, có cách làm và bước đi phù hợp.

Sử dụng nhà lưới trong canh tác, nâng cao chất lượng nông sản ở xã Lục Hồn (Bình Liêu) (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với diện tích gần 5.000ha, phát triển đa dạng các loại vùng cây ăn quả, nuôi tôm, chăn nuôi, nhuyễn thể… Xuất phát từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung này, đến nay, địa phương này đã phát triển được trên 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao, có thể cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của người dân, đặc biệt trong mỗi dịp tổ chức hội chợ OCOP hằng năm.

Sau 2 năm phải tạm dừng bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong tháng 1/2023 này, hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh – Xuân 2023 sẽ được tái khởi động. Theo đại diện BTC hội chợ cho biết, hội chợ lần này sẽ có quy mô trên 200 gian hàng, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP Quảng Ninh và các sản phẩm nông sản, đặc sản các tỉnh, thành phố, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán 2023 sẽ được bày bán như: Các loại đặc sản bánh kẹo; gà Tiên Yên; miến Bình Liêu; giò, chả; các loại rau, hoa quả; các loại trà; hải sản…

Theo ông Nguyễn Kiên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh, hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2023 được tổ chức trước dịp Tết Nguyên đán hàng năm, cung cấp nguồn hàng hóa có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng để chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiện phía BTC hội chợ đã chuẩn bị sẵn sàng về tất cả các khâu như: Đảm bảo số lượng đơn vị tham gia, hàng hóa bán tại hội chợ, an toàn thực phẩm, niêm yết giá cả, an ninh trật tự… để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được bày bán tại khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử

Thực tế, Hội chợ OCOP Quảng Ninh là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng cho các sản phẩm có chất lượng từ khu vực kinh tế nông thôn thuộc chương trình OCOP. Từ đó, mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất, cung ứng được tiếp cận và nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, thiết lập kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững…

Theo đại diện Công ty CP Sản xuất và thương mại Trường Foods (tỉnh Phú Thọ), Hội chợ OCOP của Quảng Ninh là sân chơi hấp dẫn với những doanh nghiệp OCOP tỉnh ngoài. Tại hội chợ OCOP 2023, phía công ty mang đến hội chợ 3 sản phẩm OCOP thịt chua Phú Thọ để phục vụ người tiêu dùng. Các sản phẩm này được đóng gói hấp dẫn, thích hợp mua ăn hoặc làm quà biếu Tết.

Còn theo bà Cao Hồng Vân – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Newstar, Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn mọi năm. Vì vậy, phía công ty đã sẵn sàng nguồn hàng với trên 100.000 sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi chọn quà biếu, Công ty cũng thực hiện việc đóng gói giỏ quà Tết, với nhiều hình thức mẫu mã đẹp, bắt mắt, phù hợp với mục đích sử dụng.

Đến mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm

Nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Từ lợi thế này, Quảng Ninh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Đến nay, Quảng Ninh đã có hơn 200 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất. Các sản phẩm OCOP đều được các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng và trưng bày, giới thiệu, bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Posmart.vn…

Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham dự Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022 tại Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Để phát triển và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, bên cạnh các hội chợ OCOP, tỉnh Quảng Ninh hết sức chú trọng với các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm… trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Theo Sở Công thương Quảng Ninh, để xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm OCOP bền vững, ngành Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP để củng cố các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP.

Đồng thời, tiếp tục chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm; tổ chức các hội nghị kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại các siêu thị, Trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh để sản phẩm OCOP của Quảng Ninh tiếp tục được quảng bá rộng rãi, vươn xa hơn tới nhiều thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hiền – Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh sẽ phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người dân vùng nông thôn. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, hướng đến xây dựng OCOP Quảng Ninh trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Dự án thí điểm kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính trong kênh tiêu thụ là các doanh nghiệp/hợp tác xã phân phối (kinh doanh chợ, siêu thị, cửa hàng) trên địa bàn TX Đông Triều. Phía Sở Công Thương Quảng Ninh đã thành lập Đoàn khảo sát đánh giá thực trạng tại một số HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm nông sản, thuỷ sản và OCOP đang hoạt động trên địa bàn TX Đông Triều.

Qua đó, thu thập những thông tin cơ bản để tổng hợp báo cáo và tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức các chương trình toạ đàm kết nối các hộ, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy việc hình thành chuỗi đơn vị tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn TX Đông Triều, tiến tới triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/quang-ninh-hinh-thanh-chuoi-lien-ket-tieu-thu-san-pham-ocop-ben-vung-237291.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *