Thanh Hoá: Làng nghề bánh nhãn OCOP gia tăng sản xuất vụ Tết

Tết Nguyên đán 2023 đang tới gần, nhiều hộ dân sống tại làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hóa và làng nghề kẹo nhãn huyện vùng cao Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đang gia tăng sản xuất để có đủ hàng bán cho người dùng. Các loại bánh nhãn, kẹo nhãn này chất lượng thơm ngon và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người ưa chuộng. Nghề này đang giúp nhiều người dân vùng cao có việc làm ổn định, xóa đói giảm nghèo.

Chú thích ảnh
Sản phẩm bánh nhãn Hồi Xuân.

Vào thập niên 70, người dân huyện miền núi Quan Hóa đã làm ra loại bánh hạt nhỏ, xinh giống hạt nhãn và được gọi tên là bánh nhãn để sử dụng mỗi khi Tết đến Xuân về. Để làm ra sản phẩm bánh nhãn này phải thật kiên trì bởi những công đoạn cho ra thành phẩm hoàn toàn bằng hình thức thủ công, chỉ có khâu nghiền bột được làm bằng máy, việc chọn nguyên liệu phải thật kỹ thì bánh mới ngon và giữ được hương vị đặc trưng.

Khi bắt đầu làm bánh, người làm cần chọn gạo nếp trắng, trứng gà và trộn hòa vào nhau, sau đó nặn thành những hạt nhỏ xinh giống hạt nhãn rồi cho vào chảo dầu nóng để chiên. Khi chiên phải đảo đều liên tục tránh bánh bị cháy. Sau khi bánh chín vàng đều vớt bánh ra rổ inox có giấy thấm dầu và để thật nguội rồi mới đóng gói bán ra thị trường. Hiện nghề làm bánh nhãn thị trấn Hồi Xuân đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Bà Dương Thị Quế, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa cho biết, gia đình bà sản xuất và buôn bán bánh nhãn quanh năm. Vào những ngày này, bà và nhân công đang khẩn trương sản xuất bánh nhãn để có kịp nguồn hàng bán. Dịp Tết này gia đình sản xuất khoảng 1-2 tấn để gửi đi bán tại các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Dự kiến, vụ Tết này sẽ mang về thu nhập 60 triệu đồng. Nhiều người dân ở các nơi như huyện Quảng Xương, huyện Triệu Sơn, thành phố Thanh Hóa và các tỉnh ngoài đã về mua loại bánh thơm ngon này.

Là người luôn đi đầu trong việc sản xuất bánh nhãn Hồi Xuân tại địa phương, bà Lê Thị Long, khu 2, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa cho biết: “Tôi và nhân công đang ngày đêm sản xuất để có kịp hàng bán cho khách, trong vụ Tết sản xuất từ 2-3 tấn, lãi gần 100 triệu đồng. Hiện thu nhập từ làm bánh nhãn Hồi Xuân đạt khoảng 150 triệu/năm, tạo việc làm cho 10 công nhân với thu nhập 5-7 triệu/người/tháng. Ngoài ra, sản phẩm bánh nhãn của gia đình đã được cấp có thẩm quyền công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo thống kê, huyện Quan Hóa có khoảng 100 hộ dân làm bánh nhãn Hồi Xuân, sản phẩm đã được cung ứng ra thị trường trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh thành khác như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An,…

Bà Hà Thị Cươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết, nghề làm bánh nhãn này đang tạo việc làm cho 100 hộ dân với hơn 400 lao động, trung bình một hộ thu nhập từ 200-300.000 đồng/ngày. Hiện đang vào vụ Tết, bà con đang tăng sản xuất để có nguồn hàng bán ra thị trường, nhờ làm bánh nhãn Hồi Xuân nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Còn tại huyện miền núi Lang Chánh, gần 60 hộ dân làm nghề sản xuất làm kẹo nhãn cũng đang tất bật sản xuất để bán vụ Tết này. Theo người dân địa phương kể lại, kẹo nhãn có nguồn gốc cách đây hơn 100 năm. Một số người Hoa trước đây đã di cư đến sống tại huyện Lang Chánh và làm kẹo nhãn ăn. Sau đó, họ mời người dân địa phương ăn. Nhiều người huyện Lang Chánh sau khi ăn kẹo thấy thơm ngon nên đã học công thức làm kẹo, cũng từ đây nghề làm kẹo nhãn được truyền qua nhiều thế hệ. Người dân Lang Chánh đã sử dụng kẹo nhãn như một loại thực phẩm không thể thiếu để đãi khách vào ngày Tết cổ truyền.

Chú thích ảnh
Kẹo nhãn Châu Lang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.

Để làm kẹo nhãn trước tiên phải chuẩn bị gạo nếp cái hoa vàng, trứng gà, vừng, sau đó phối trộn nguyên liệu, tạo hình, rán chín, cuối cùng là đóng túi, dán nhãn, sản phẩm rất đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng. Hiện kẹo nhãn Châu Lang đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm đã có mặt tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong nước và ngoài nước.

Chị Vũ Thị Đào, Hợp tác xã Kẹo nhãn Châu Lang, huyện Lang Chánh cho biết, năm nay đơn hàng đặt rất nhiều, chính vì thế cơ sở của chị đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu, thuê thêm nhân công làm cả ngày, lẫn đêm nhằm có đủ nguồn kẹo phục vụ thị trường tết, những ngày vừa qua đơn hàng nhiều, có những ngày công nhân sản xuất hết cả 80 kg gạo. Hiện chất lượng kẹo nhãn luôn được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi sản phẩm sau khi đóng gói có giá là 100 nghìn đồng.

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho hay, UBND huyện Lang Chánh và các ngành liên quan đang hỗ trợ, giúp đỡ các hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kẹo nhãn tăng sản xuất để đảm bảo nguồn hàng, cũng như chất lượng nhằm phục vụ tốt nhu cầu của dân, khách hàng gần xa trong tết Nguyên đán sắp tới.

Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tập trung sản xuất để bán trong dịp Tết. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, làng nghề về thực phẩm. Qua đó, giúp người dân được sử dụng nguồn hàng an toàn, đảm bảo sức khỏe để đón Tết an khang, thịnh vượng.

Nguồn: https://baotintuc.vn/dia-phuong/lang-nghe-banh-nhan-hoi-xuan-gia-tang-san-xuat-vu-tet-20230110080317595.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *