Nâng tầm sản phẩm
Xã Diễn Trung là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Diễn Châu, với hàng trăm hộ dân nuôi gà thịt và gà đẻ trứng. Nhận thấy được tiềm năng, thế mạnh, hơn 120 thành viên của địa phương đã chung tay xây dựng nên HTX Chăn nuôi Diễn Trung, với sản phẩm chủ lực là trứng gà. Năm 2020, sản phầm này được tỉnh Nghệ An công nhận đạt OCOP 3 sao, từ đó, việc chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm trứng gà có những bước tiến rõ rệt.
Xã Diễn Trung là địa phương có thế mạnh chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Q.A |
Ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc HTX Chăn nuôi Diễn Trung cho biết: Trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, trứng gà tại địa phương tuy có sản lượng lớn nhưng tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ, không có sự liên kết, đầu ra sản phẩm không đều. Tuy nhiên, từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm được thị trường đón nhận hơn, hàng chục ngàn quả trứng cơ bản được tiêu thụ hết trong ngày, bà con thành viên HTX rất phấn khởi.
Hiện nay, mỗi ngày HTX cho ra thị trường khoảng 20.000 quả trứng gà, trong đó, có một lượng lớn đã được ký hợp đồng với các trường học trên địa bàn huyện, bên cạnh đó, sản phẩm trứng hiện cũng đã được nhập vào 4 – 5 siêu thị tại huyện Diễn Châu, TP.Vinh, số lượng trứng còn lại bán ra thị trường đều đặn với giá từ 3.000 đồng/quả.
Mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường hơn 20.000 quả trứng đạt chất lượng. Ảnh: Q.A |
Những ngày đầu năm 2023, chị Lê Thị Hương – chủ trại cam Hương Hóa, huyện Anh Sơn cũng đang phấn khởi trong niềm vui được mùa, được giá vì cam năm nay năng suất tốt, được thị trường đón nhận. Sản phẩm cam của gia đình đã được tỉnh Nghệ An công nhận OCOP 3 sao vào năm 2021, từ thời điểm đó, việc tiêu thụ cam dễ dàng hơn.
Sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm cam của gia đình chị Lê Thị Hương ở xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) được tiêu thụ mạnh. Ảnh: Q.A |
Chị Lê Thị Hương chia sẻ: Khi chưa đạt sản phẩm OCOP, cam dù chăm sóc đúng các quy trình, quả chất lượng, tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn. Gia đình chủ yếu tự tìm kiếm kênh tiêu thụ, quảng bá trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, từ thời điểm có Giấy chứng nhận OCOP, lượng khách đặt hàng đã tăng lên, không chỉ khách nội tỉnh mà còn có khách từ trong Nam, ngoài Bắc tìm đến khiến chúng tôi rất phấn khởi. Không chỉ vậy, sản phẩm của gia đình cũng được tham dự nhiều hội chợ, hội nghị, góp phần quảng bá hình ảnh của cam xứ Nghệ đến với bạn bè bốn phương.
Thực tế cho thấy, từ thời điểm được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm, nông sản trên địa bàn tỉnh đã có thêm đòn bẩy để vươn xa hơn trên thị trường, có sự tiêu thụ ổn định hơn, tăng thêm thu nhập cho người dân, HTX. Dịp Tết Quý Mão 2023, nhiều sản phẩm OCOP của Nghệ An đã được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn; như cam Vinh, tảo xoắn Hoàng Mai, rượu đông trùng hạ thảo, tương, nước mắm, trà sen, nấm, trứng gà, kể cả hàng mây, tre đan….
Người dân lựa chọn các sản phẩm OCOP. Ảnh: Q.A |
Vẫn còn “tắc” đầu ra
Mặc dù đa số các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP đều có những bước tiến mới trong việc sản xuất, tiêu thụ, tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số sản phẩm đang loay hoay tìm đầu ra, hoặc chưa có sự đột phá trong việc tiếp cận thị trường.
Tổ hợp tác sản xuất miến gạo và bánh đa tại làng nghề Quy Chính ở thị trấn Nam Đàn có sản phẩm miến gạo đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Tuy nhiên, theo nhận định của người làm nghề thì sản phẩm vẫn chưa có sức bật như kỳ vọng, kênh tiêu thụ chủ yếu vẫn ở các cửa hàng sạch, các khách quen.
Sản phẩm miến gạo dù đã được công nhận sản phẩm OCOP, tuy nhiên, theo người làm nghề thì đầu ra sản phẩm chưa có sự bật tăng như kỳ vọng. Ảnh: Q.A |
Chị Nguyễn Thị Thanh – đại diện Tổ hợp tác sản xuất miến gạo chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm miến gạo đang vấp phải sự cạnh tranh lớn trên thị trường. Chúng tôi phải chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, thực hiện đúng các quy định để được cấp các giấy chứng nhận, chưa kể công đóng gói, bao bì để đưa ra thị trường, với giá bán trên dưới 30.000 đồng/kg là hợp lý. Tuy nhiên, những loại miến trôi nổi trên thị trường chỉ bán với giá từ 20.000 – 22.000 đồng/kg nên không cạnh tranh được.
Bưởi An Ngãi dù đã được chứng nhận OCOP, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ảnh: Xuân Hoàng |
Tương tự như miến gạo, sản phẩm bưởi An Ngãi tại xã Tân An, huyện Tân Kỳ hiện cũng đang loay hoay tìm kiếm đầu ra. Sản phẩm này được công nhận OCOP 3 sao năm 2021, với 7 hộ tham gia tổ hợp tác. Từ thời điểm được công nhận đến nay, sản phẩm chủ yếu mới chỉ bán lẻ và chưa thể tiếp cận được với các cửa hàng, siêu thị.
Ông Cao Tiến Thìn – Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Trong năm qua, bưởi An Ngãi gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ không ổn định, với giá chỉ từ 12.000 – 15.000 đồng/quả, trong khi giá bán thực tế phải trên 30.000 đồng/quả bà con mới có lãi và cũng tương xứng với việc đầu tư, chăm sóc để có thể đạt được sản phẩm OCOP. Hiện nay, kênh tiêu thụ chính của đặc sản này vẫn là bán lẻ hoặc nhập cho các thương lái, chưa thể tiêu thụ mạnh như kỳ vọng.
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Nghệ An. Ảnh: Q.A |
Không chỉ sản phẩm miến gạo, bưởi… mà thực tế, vẫn còn các sản phẩm OCOP của Nghệ An sau khi được công nhận vẫn chưa tìm được đơn vị bao tiêu ổn định, việc tiếp cận với các thị trường còn hạn chế. Do đó, để được thị trường đón nhận, các chủ thể, hộ sản xuất khi đã đạt chứng nhận OCOP cần đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông, thiết kế bao bì, nhãn mác bắt mắt, tạo ra sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng… Song song với đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ kết nối, tìm kiếm các đơn vị bao tiêu sản phẩm, tăng cường đưa các sản phẩm OCOP Nghệ An tham gia các hội chợ cung – cầu để quảng bá sản phẩm đến các thị trường tiềm năng…
Nguồn: https://baonghean.vn/nhieu-san-pham-ocop-cua-nghe-an-van-kho-dau-ra-post265390.html