Với mục tiêu mở rộng thị trường sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ninh đang dần hướng đến việc kết nối các sản phẩm OCOP trong cả nước.
Mở hội chợ sản phẩm OCOP các vùng miền ngay trong tỉnh
Tính đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 569 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao; 233 sản phẩm có quyết định tham gia Chương trình OCOP đang được hoàn thiện chờ đánh giá phân hạng sao. Hiện có 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và 246 sản phẩm đạt 3 sao. Toàn tỉnh có 219 đơn vị sản xuất, với 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ kinh doanh cá thể. Với số lượng sản phẩm OCOP lớn, việc kết nối tiêu thụ, tìm thị trường mới là rất quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh.
Chính vì vậy, trong năm qua, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai sâu rộng. Trong đó, việc mở các hội chợ OCOP thường niên có ý nghĩa rất lớn vì không chỉ hỗ trợ mở rộng kênh phân phối mà qua đó giúp khẳng định về uy tín, chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều Hội chợ OCOP với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động này không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu các thế mạnh mà còn mở ra cơ hội hợp tác nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Điển hình như, mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Xúc tiến đầu tư Vùng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đã diễn ra Hội chợ sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố được được bố trí một khu gian hàng tiêu chuẩn để trưng bày sản phẩm. Nội dung trưng bày, giới thiệu tại các khu gian hàng gồm: Toàn bộ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tham dự. Các gian hàng Hội chợ sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, góp phần vào thành công chung của Hội nghị.
Hội chợ là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP.
Hội chợ cơ hội tốt để các địa phương tham dự giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu phát triển và quảng bá các sản phẩm chủ lực tiêu biểu đến đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. |
Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng (tỉnh Quảng Ninh) – một trong những doanh nghiệp phát triển các sản phẩm rượu tham gia hội chợ cho biết: “Đây là cơ hội tốt để chúng tôi trực tiếp giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng; giải thích những thắc mắc và tiếp thu góp ý của người tiêu dùng về sản phẩm của mình, từ đó có ý thức nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP trên thị trường”.
Sự kiện cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các chủ thể OCOP và các tổ chức, cá nhân nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị bền vững. Nhất là các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối với hệ thống siêu thị và thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.. Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã phát triển 135 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 139 cửa hàng tiện lợi, 25 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP. Đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp của các tỉnh khai thác.
Qua đó góp phần xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận); tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình “Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh”.
Bà Đoàn Thị Loan ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua những gian hàng hội chợ đã tìm được những sản vật mang đặc trưng của các tỉnh. “Việc tỉnh Quảng Ninh tổ chức những hội chợ kết nối sản phẩm vùng miền rất lý thú; người dân vừa được xem triển lãm các mặt hàng, lại được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi nên ai cũng thích. Hơn nữa, các mặt hàng tại hội chợ là chính gốc đến từ những vùng quê nên người dân rất yên tâm đó là hàng thật, hàng chất lượng”, bà Loan chia sẻ.
Trên thực tế, hoạt động giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại Quảng Ninh đều thu được kết quả khả quan, ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ “Các hợp tác xã, doanh nghiệp mang sản phẩm đi giới thiệu cũng rất vui mừng được giới thiệu quảng bá sản phẩm của mình; đồng thời cũng đã bán được khá nhiều hàng. Bên cạnh đó, còn có thêm những mối quan hệ nhằm ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa cho nhau”.
Tích cực tham gia các hội chợ ngoài tỉnh
Nói thêm về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh ông Kiên cho biết thêm: Tỉnh Quảng Ninh cũng định hướng lựa chọn các tỉnh, thành tiềm năng để quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Trong đó, trọng tâm vào các tỉnh, thành có chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương hỗ trợ, sẽ có tính truyền thông và hiệu quả lớn hơn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đặc biệt, định hướng tăng cường kết nối vùng, miền là đại diện cho khu vực, thị trường lớn. Theo đó, Quảng Ninh định hướng kết nối với các tỉnh, thành có tính kết nối vùng, trung tâm của vùng như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Đà Nẵng, Gia Lai… Thông qua kết nối, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã được bày bán tại nhiều tỉnh, thành phố và thậm chí còn đạt doanh thu bán hàng cao, được ưa chuộng như: Chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, ruốc tôm, nước mắm Vân Đồn, dược liệu, miến dong Bình Liêu…
Thông qua kết nối, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã được bày bán tại nhiều tỉnh, thành phố và thậm chí còn đạt doanh thu bán hàng cao, được ưa chuộng như: Chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, ruốc tôm, nước mắm Vân Đồn, dược liệu, miến dong Bình Liêu… |
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh thực hiện triệt để với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo” với nhiều hoạt động như: Các chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN – Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt – Trung… hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như Lào, Campuchia, Thái Lan…
Sự phối hợp, liên kết của các địa phương không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, quan trọng hơn là kết nối cung – cầu, xây dựng và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nguồn: https://congthuong.vn/quang-ninh-ket-noi-mo-rong-thi-truong-cho-san-pham-ocop-242859.html