Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chỉ đạo cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về chất và lượng trong phát triển kinh tế hợp tác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Nhiều kết quả tích cực
Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Châu Văn Phúc, dân tộc Giáy ở thôn Đá Đinh 2, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng nước. Tuy nhiên, dù vất vả quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn, những năm thời tiết thất thường nguy cơ mất mùa, thiếu đói luôn rình rập.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản của thành phố, năm 2010 anh Phúc mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha sang đào ảo thả cá. Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với việc trồng lúa; tuy vậy, đầu ra chưa ổn định nên sản phẩm làm ra đôi khi khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh.
“Từ khi tôi tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi của thôn đã ổn định hơn rất nhiều. Chẳng hạn như, sản phẩm thương lái về làm việc với tổ hợp tác, ký hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn, giá cả ổn định. Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi tổ hợp tác đứng ra ký hợp đồng mua cho các tổ viên nên giá cả hợp lý hơn; mình có khó khăn thì cũng có thể trả chậm vì đã có tổ hợp tác bảo đảm cho mình rồi. Nhờ đó, mấy năm nay từ chăn nuôi cá, lợn thịt, lợn sinh sản mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng”, anh Phúc cho biết.
Theo ông Trần Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Phời thì hiện nay trên địa bàn xã có hàng chục tổ hợp tác cùng sở thích. Tại đây, các hộ có cùng sở thích về chăn nuôi, trồng trọt, chăn nuôi thủy sản… tự nguyện tham gia. Nhờ vậy, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai lấy làm nhưng đến nay bà con đã từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, mỗi gia đình tự ý thức nâng cao chất lượng bằng cách chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn, giá trị sản phẩm tăng lên, đầu ra ổn định hơn trước.
Từ khi tham gia hợp tác xã sản xuất chè hữu cơ, thu nhập của gia đình anh Lâm A Tưởng ở xã bản Liền, huyện Bắc Hà đã tăng gấp 3 lần so với làm nương trước đây. Theo anh Tưởng, trước đây bà con cũng làm chè nhưng nhỏ lẻ, sản phẩm ít mang đi bán rất khó, giá lại thấp. Khi vào Hợp tác xã bà con được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác nên năng suất, sản lượng cũng tăng hơn rất nhiều. Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Bản Liền và các xã lân cận tự nguyện tham gia vào hợp tác xã.
“Hiện nay, hợp tác xã có trên 300 xã viên tham gia trồng và chăm sóc chè. Sản phẩm được thực hiện khép kín, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Chính vì vậy, tạo được niềm tin với khách hàng, giá thành ổn định, bà con xã viên yên tâm sản xuất và diện tích trồng chè ngày càng mở rộng”, anh Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền cho biết thêm.
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, thời gian qua, tỉnh Lào Cai còn miễn giảm thuế sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp, các sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu được áp mức thuế 0%, hỗ trợ vay vốn với lãi xuất thấp nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 465 hợp tác xã với 7.200 thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt khoảng 9.000 người. Toàn tỉnh có 7.654 tổ hợp tác với 114.810 thành viên. Ước tính năm 2022, doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 1.283 triệu đồng/năm, tăng 5% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong các hợp tác xã ước đạt 50 triệu đồng/năm.
Phát triển theo hướng hiện đại
Năm 2023, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể, tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Mặt khác, đẩy mạnh xây dựng các mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể chuyên ngành sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Phấn đấu 80 – 90% hợp tác xã trên địa bàn được hỗ trợ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Từng bước áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh và khâu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã…
Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ phát triển hợp tác xã năm 2023 của tỉnh Lào Cai là 74.725 triệu đồng; trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương là 60.000 triệu đồng, nguồn ngân sách địa phương là 14.725 triệu đồng.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 5 hợp tác xã được lựa chon tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 là Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ; Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp và xây dựng Quang Vinh; Hợp tác xã Duy Phong; Hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến; Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt, để nhân rộng mô hình giai đoạn 2026-2030.
Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, địa phương xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển vững chắc. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương.
Tỉnh Lào Cai đã có những chỉ đạo cụ thể nhằm phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng; trong đó, chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Hơn nữa, để tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tập thể, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; vai trò, quyền lợi khi tham gia hợp tác xã trong giai đoạn hội nhập kinh tế; hu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các hợp tác xã; trong đó ưu tiên phát triển đầu tư khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm thuỷ sản. Xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, tỉnh cũng hướng tới việc đẩy mạnh chuyển đổi số tại các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với cán bộ làm công tác kinh tế tập thể, hợp tác xã các cấp cũng như trách nhiệm và năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo đổi mới. Việc này nhằm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế tập thể, phát huy nòng cốt của liên minh hợp tác xã trong nghiên cứu, tham mưu cho các cấp, các ngành về kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác…
Nguồn: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-phat-huy-hieu-qua-tai-lao-cai-20230219091215912.htm