Việc phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm từ Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) đã và đang được nhiều địa phương chú trọng thực hiện.
Sức lan tỏa sản phẩm OCOP
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022, cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, tăng 3.919 sản phẩm so với năm 2020. Trong đó, có 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao, 20% sản phẩm đạt hạng 5 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm đã đạt hạng 5 sao. Hiện có hơn 4.273 chủ thể có sản phẩm OCOP, trong đó chủ thể là hợp tác xã chiếm tỷ lệ 38,6%, doanh nghiệp chiếm 26,1%, còn các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ dân chiếm 32,9% trên tổng số chủ thể. Dự kiến đến cuối năm 2023, cả nước có 9.500 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Một số sản phẩm OCOP được công nhận 3 – 4 sao của TP Cần Thơ |
Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) đến nay đã thu được những kết quả đáng kể, khi góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy và nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa. Từ đó nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân, phù hợp với phòng trào xây dựng nông thôn mới cũng như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ: Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm OCOP đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển các sản phẩm chủ lực tại các địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các sản phẩm OCOP với sự kết tinh của văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng và tài nguyên bản địa, cùng với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, có bao bì đẹp, địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng… đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng và được nhiều người chọn sử dụng. Hơn thế nữa nhiều sản phẩm CCOP đã có tác động lan tỏa hết sức rộng lớn và sâu sắc, được phát triển ở hầu hết các địa phương, vùng miền trong cả nước, giúp cho nhiều sản vật hàng hóa của nhiều vùng miền đã định hình được chỗ đứng trên thị trường nội địa và bắt đầu vươn ra xuất khẩu.
Đánh giá từ nhiều địa phương cho thấy việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của địa phương.
Duy trì chất lượng, nâng tầm sản phẩm OCOP
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, toàn quốc phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 – 500 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả chương trình, theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú các chủ thể sản phẩm OCOP cần được sự hỗ trợ về chính sách, vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, cũng như giảm bớt các chi phí trong hoạt động bao gồm chi phí sản xuất và gia nhập thị trường, vận chuyển dự trữ… Bởi đa phần các đơn vị sản xuất và chế biến các sản phẩm OCOP đều là các hộ, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ nên bị hạn chế về tiềm lực để phát triển và nâng hạng các sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, phát triển phong trào OCOP phải luôn đi đôi với giữ gìn bản sắc các vùng miền, địa phương. Công tác bảo vệ môi trường luôn phải coi trọng để phát triển một cách bền vững. Mỗi 1 sản phẩm OCOP phải trở thành 1 câu chuyện đầy thú vị với các khách hàng gần xa nhưng phải luôn được làm mới, bằng cách đưa khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, tận dụng các ưu điểm của công nghệ thời đại 4.0 để nâng cao năng suất lao động trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ của từng sản phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP nói riêng và hàng hóa nói chung muốn phát triển bền vững điều tiên quyết là phải được bảo vệ, thông qua công tác kiểm soát thị trường chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, được xây dựng và bảo vệ thương hiệu bài bản.
Từ phía các địa phương cũng xác định tập trung vào các giải pháp trọng tâm như nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP, tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại sản phẩm Chương trình OCOP; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin người tiêu dùng.
Nguồn: https://congthuong.vn/phat-trien-va-nang-cao-gia-tri-san-pham-ocop-243596.html