Đồng Tháp nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa, tiếp cận người tiêu dùng

Đồng Tháp không chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng sản phẩm OCOP mà còn chú trọng nâng cao chất lượng, hướng đến thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, trong nước và quốc tế. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho sản phẩm địa phương, Đồng Tháp đã và đang triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Đồng Tháp không chỉ phát triển số lượng sản phẩm OCOP mà còn chú trọng nâng cao chất lượng giúp sản phẩm OCOP của địa phương có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp không chỉ phát triển số lượng sản phẩm OCOP mà còn chú trọng nâng cao chất lượng giúp sản phẩm OCOP của địa phương có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, chương trình OCOP không chỉ là phong trào nhất thời mà là chiến lược lâu dài giúp nâng cao giá trị nông sản địa phương. Tỉnh đã phối hợp cùng các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, và người dân xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ OCOP, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp cùng các ban ngành địa phương đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về sản xuất an toàn, chuẩn hóa quy trình và áp dụng công nghệ tiên tiến cho các chủ thể OCOP. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ xây dựng bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

HTX Nông sản an toàn An Hòa tại huyện Châu Thành là một điển hình khi tham gia OCOP với sản phẩm nhãn VietGAP được người tiêu dùng đánh giá cao. Phó Giám đốc HTX, ông Huỳnh Hữu Thuận chia sẻ: “Chương trình OCOP không chỉ giúp chúng tôi nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Các ban ngành đã hỗ trợ chúng tôi quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và hội chợ nông sản, giúp tăng đơn hàng và mở rộng thị trường”.

Tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ tình yêu đối với cây sen Đồng Tháp, Công ty TNHH Thương mại Hương Sen đã đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP từ sen, vừa nâng cao giá trị cây sen, vừa góp phần gìn giữ văn hóa địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ngoài doanh nghiệp và HTX, nhiều cá nhân cũng tham gia vào chương trình OCOP. Chị Nguyễn Thị Lan, người sản xuất trà sen tại Tháp Mười, cho biết sản phẩm của chị đã được quảng bá rộng rãi và có mặt tại các cửa hàng đặc sản nhờ sự hỗ trợ từ chương trình.

Chương trình OCOP năm 2024 của tỉnh Đồng Tháp sẽ có ít nhất 30 sản phẩm OCOP được công nhận mới, hỗ trợ ít nhất 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chương trình OCOP năm 2024 của tỉnh Đồng Tháp sẽ có ít nhất 30 sản phẩm OCOP được công nhận mới, hỗ trợ ít nhất 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh: UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 685/UBND-KT chỉ đạo tăng cường triển khai chương trình OCOP. Văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, lao động, và chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của chương trình OCOP và ứng dụng phần mềm số hóa OCOP, để các chủ thể cập nhật thông tin và tham gia hiệu quả hơn trong những năm tới.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam – Lê Hoàng Vũ (https://nongnghiep.vn/dua-san-pham-ocop-dong-thap-den-voi-nguoi-tieu-dung-d407709.html)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *