Sản phẩm dược liệu tỉnh Quảng Trị tham gia hội nghị kết nối cung cầu Việt Nam – Lào tại Quảng Bình năm 2018
Theo số liệu khảo sát, hiện tỉnh Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm đồ uống có 3 sản phẩm, nhóm thảo dược có 6 sản phẩm, nhóm vải, may mặc có 1 sản phẩm, nhóm lưu niệm – nội thất – trang trí có 3 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 1 sản phẩm. Bên cạnh đó, Quảng Trị hiện có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình OCOP. Hiện có 5 sản phẩm có doanh thu trên 20 tỉ đồng/năm gồm: nước mắm, bún bánh, cá hấp, ném củ và cao dược liệu.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã triển khai 3 dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm thực hiện chương trình OCOP với kinh phí hơn 556 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các chương trình, dự án lồng ghép của các sở, ngành, địa phương như hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, hỗ trợ thiết bị, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, các dự án phát triển sản xuất.
Theo Ban điều hành chương trình OCOP, khó khăn nhất hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP là đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu ở trong nước. Số lượng doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh.
Với mục tiêu tạo đột phá trong giai đoạn tiếp theo của chương trình OCOP, tỉnh Quảng Trị đã xác định phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, triển khai chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm, hỗ trợ nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 20 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương, phát triển mới khoảng 3-5 sản phẩm. Năm 2019 phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 -5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 4 – 5 sao cấp quốc gia./.
Theo Báo Công Thương