Sau 02 năm thực hiện Đề án “mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 – 2020” (OCOP Bắc Kạn), hoạt động của HTX gắn với sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển quan trọng. Đến nay, đã có 15 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã liên kết thành lập cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch; 50 HTX tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị; 30 sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP.
Triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Bắc Kạn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời, các cấp lãnh đạo đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án một cách cụ thể. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị khởi động Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Phổ biến các nội dung Đề án OCOP; Tổ chức điều tra, thống kê đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn…
Kết quả đã có 124 sản phẩm có lợi thế thuộc 5 nhóm sản phẩm theo Chương trình OCOP. Trong đó, nhóm thực phẩm có 48 sản phẩm; nhóm đồ uống có 13 sản phẩm; nhóm thảo dược có 07 sản phẩm; nhóm lưu niệm – nội thất – trang trí có 03 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 53 sản phẩm. Các sản phẩm trên được sản xuất bởi 114 tổ chức/cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có 01 Công ty Cổ phần, 01 Công ty TNHH, 25 Hợp tác xã, 22 tổ hợp tác và 62 hộ sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sở dữ liệu ban đầu để phục vụ việc xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP.
Sản phẩm gà thả đồi của HTX Trần Phú đạt tiêu chuẩn 3 sao
Ngoài ra, các cấp, ngành chức năng đã chú trọng nâng cao năng lực cán bộ bằng các hình thức tập huấn cho học viên là cán bộ phụ trách chuyên môn đến từ các sở ngành liên quan; tổ chức đi học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương điển hình; Tổ chức lớp tập huấn xây dựng “Phương án kinh doanh”, về phát triển sản phẩm, về xây dựng chiến lược phát triển và thương mại hóa sản phẩm; Thủ tục hồ sơ hoàn thiện bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Các sở, ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ thực hiện Đề án. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã xây dựng 06 dự án hỗ trợ ngành nghề nông thôn để hỗ trợ cho 06 HTX mua sắm máy móc thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm; hỗ trợ 06 đơn vị xây dựng website thương mại điện tử; thiết kế bao bì nhãn mác cho các HTX; hướng dẫn 10 tổ chức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; 42 cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác về đăng ký xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch truy suất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm; hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm xây dựng chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tiếp nhận 05 sản phẩm công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và 52 sản phẩm tự công bố đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ 02 HTX tham gia Chương trình OCOP về xây dưng các mô hình phát triển sản xuất với số kinh phí là 300 triệu đồng
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn năm 2019, với tổng số 96 sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh, trong đó có 15 sản phẩm nâng cấp, 81 sản phẩm mới. Trong đó, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như Curcumin Trịnh Năng, tinh bột nghệ của Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn, tinh bột nghệ của HTX Tân thành, rượu chuối Tân Dân, miến dong Tài Hoan, gà thả đồi của HTX Trần Phú… Điều quan trọng nhất là từ khi sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, mức tiêu thụ cao hơn rất nhiều so với lúc chưa đạt OCOP. Việc các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã có bước tăng trưởng nhanh. Qua đánh giá sơ bộ có khoảng 54% tổ chức kinh tế tăng doanh thu từ 1,1 đến 1,4 lần; 27% tổ chức kinh tế tăng doanh thu 1,5-2 lần và có khoảng 19% tổ chức kinh tế tăng doanh thu lớn hơn 2 lần…
Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng nhất là các vùng miền núi vùng cao về sản xuất hàng hóa; Thúc đẩy người dân tiếp cận với phương thúc sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời gắn sản xuất với công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập đời sống cho nhân dân, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn./.
Theo Báo Bắc Kạn