Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.
Mục đích của Chương trình OCOP là xây dựng, phát triển, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa để nâng cao chất lượng của 6 nhóm sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn (thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái và điểm du lịch) theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, năm vừa qua, tổng số sản phẩm các huyện, thành phố đề xuất tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh có hơn 100 sản phẩm. Kết quả có 99 sản phẩm (26 sản phẩm đánh giá lại và đánh giá nâng sao) được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên (10 sản phẩm đạt 4 sao, 89 sản phẩm đạt 3 sao), nâng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm, tăng 73 sản phẩm so với năm 2021, vượt hơn 2 lần so với kế hoạch giao năm 2022 là tăng 35 sản phẩm.
Trong các sản phẩm được công nhận trong năm 2022, có một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống, như: Mỳ Chũ, mỳ Châu Sơn, bún Đa Mai và các sản phẩm gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, giấm Kim Ngân, trà hoa vàng, rau quả các loại. Các sản phẩm đều có đầy đủ minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như Iso 22000, HACCP, VietGap.
Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Để thúc đẩy xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT Bắc Giang cũng tổ chức hỗ trợ cho hơn 300 lượt sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, diễn đàn kết nối cung cầu, trong đó có các hội chợ có quy mô lớn do Bộ NN& PTNT và các tỉnh, thành phố tổ chức. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, cũng như hình ảnh của tỉnh Bắc Giang tới khách hàng trong nước và các đoàn khách quốc tế.
Với những kết quả đạt được, Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi, mà cả ở vùng sâu, vùng xa, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho văn hoá, tập quán, thế mạnh sản xuất của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục tem nhãn, bao bì, nguồn gốc xuất sứ và các yêu cầu khác theo quy định.
Tuy nhiên, Bắc Giang nhận định, sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn tỉnh tuy nhiều, song vẫn chưa được khách hàng tin dùng, bởi công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, tính cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương. Bên cạnh đó, phần lớn sản phẩm được sản xuất thủ công, chưa hấp dẫn về mẫu mã, bao bì.
Vì vậy, năm 2023, Bắc Giang phấn đấu có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (tăng 25 sản phẩm so với năm 2022 có 205 sản phẩm). Đặc biệt, tỉnh sẽ phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều đóng hộp của Công ty XNK thực phẩm Toàn Cầu), đồng thời tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hoá địa phương, nhất là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Ngày 18/1 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Tỉnh định hướng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), trong đó có khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hoá địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/bac-giang-phan-dau-co-hon-300-san-pham-ocop-dat-tu-3-sao-tro-len-102230310110802693.htm