Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa- du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022, ngày 23/12, Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực tiễn và giải pháp thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương” đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành cùng đại diện các sở, ban ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 15.500 km2; trong đó, tổng diện tích nhóm đất đỏ vàng của tỉnh Gia Lai hơn 756.400 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên.
Cùng với đó, Gia Lai có điều kiện sinh thái, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Vì thế, Gia Lai rất có lợi thế trong sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương.
Việc thúc đẩy các chương trình phát triển tài sản trí tuệ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thế gắn với chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương là cần thiết để nâng tầm hàng nông sản.
Tuy nhiên, trên thực tế tại Gia Lai, việc thúc đẩy các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Đối với chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Gia Lai mới có 10 sản phẩm địa phương được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ và 1 sản phẩm tiêu Chư Sê được cấp chỉ dẫn địa lý.
Ngược lại, với việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, số lượng sản phẩm được bảo hộ dưới thức nhãn hiệu chứng nhận của Gia Lai chưa nhiều. So với một số tỉnh vùng Tây Nguyên gồm Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Lắk thì Gia Lai xếp hạng thấp hơn nhiều, chỉ hơn tỉnh Đắk Nông. Còn về bảo hộ nhãn hiệu tập thể, Gia Lai và Kon Tum là hai tỉnh duy nhất của cả nước không có sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Bên cạnh những hạn chế trong việc phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý thì Gia Lai vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển sản phẩm OCOP. Đến cuối năm 2021, Gia Lai đã có 216 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, cao gấp 1,4- 4,2 lần so với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên.
Để Gia Lai tiếp tục có những chương trình, hành động cụ thể, có hiệu quả trong việc xây dựng, phát triển, thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã vạch ra các lộ trình gỡ khó cho tỉnh Gia Lai.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn và Vũ Văn Đoàn – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc lực chọn các sản phẩm phù hợp với từng vùng để thực hiện đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; tăng cường năng lực cho các tổ chức sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ thì Gia Lai cần tập trung chuyển mạnh từ tiếp cận sản xuất theo chuỗi cung sang tiếp cận phát triển chuỗi giá trị theo từng vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực.
Cùng đó, tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài; giới thiệu tiềm năng, cơ hội, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư… Ngoài ra, tăng cường tham gia, thực hiện các hoạt động như hội chợ triển lãm, quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Còn đối với ông Nguyễn Bá Hội, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam cho rằng, Gia Lai cần tăng cường hơn nữa việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lí cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương ra nước ngoài; trong đó, tập trung vào lựa chọn đúng sản phẩm, xác định đúng thị trường để đăng ký.
Nguồn: https://dantocmiennui.vn/bao-ho-nhan-hieu-chi-dan-dia-ly-cho-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-cua-tinh-gia-lai/329621.html