Chương trình OCOP là giải pháp góp phần “đánh thức” kinh tế khu vực nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp của bất kỳ người dân đất Việt. Ở bài này, Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam sẽ đưa Quý vị độc giả cùng du xuân Tân sửu qua sản phẩm OCOP Việt Nam: Gạo Bối Khê và những làng nghề nổi tiếng ở huyện Thanh Oai, tp. Hà Nội. Nơi nổi tiếng với những cánh đồng lúa chín thơm ngát, nơi với những làng nghề truyền trống và với những di tích văn hóa ngàn đời.
Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó với con người, làng quê Việt Nam, đồng thời cũng trở thành tên gọi cho một nền văn minh – nền văn minh lúa nước Sông Hồng. Trước đây, cây lúa, hạt gạo chỉ có thể đem lại sự no đủ cho con người thì ngày nay nó còn có thể làm giàu cho người nông dân và cho cả đất nước nếu chúng ta biết biến nó thành một thứ hàng hoá có giá trị.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cây lúa cũng đang có những biến đổi để thích ứng với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, cần phải bảo tồn và phát triển, làm phong phú thêm nguồn gen thực vật quý giá này.
Tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng qua hai cuộc kháng chiến và nơi có di tích lịch sử chùa Bối Khê nổi tiếng (có từ thời Lý với niên đại 700 năm). Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng lấy đó làm động lực để sản xuất ra sản phẩm Gạo thơm Bối Khê chất lượng, đại diện truyền tải yếu tố văn hóa, lịch sử và con người xã Tam Hưng đến với đông đảo người tiêu dùng.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) được thành lập từ năm 1958. HTX hiện có 730 ha diện tích đất trồng lúa, trong đó có hai giống lúa chất lượng cao là Nếp cái Hoa Vàng và Bắc thơm số 7. Với lợi thế có vùng nguyên liệu và số lượng thành viên liên kết sản xuất lớn (2597 thành viên), hằng năm HTX cung ứng ra thị trường 4500 tấn gạo các loại. Xã Tam Hưng nổi tiếng bởi sản phẩm gạo thơm Bối Khê chất lượng và truyền thống cách mạng từ bao đời nay.
![]() |
![]() |
Ngoài những cánh đồng lúa chĩu hạt thì huyện Thanh Oai cũng là nơi có nhiều làng nghề ngoài đem lại lợi ích kinh tế – xã hội còn góp phần bảo vệ và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương. Thanh Oai là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tiêu biểu trong số đó là hệ thống di tích dày đặc, toàn huyện có 266 di tích, trong đó có 147 di tích đã được xếp hạng. Cùng với đó, Thanh Oai được biết đến là vùng đất của 51 làng nghề truyền thống như: làng điêu khắc Dư Dụ (xã Thanh Thùy); đồ thờ Vũ Lăng(xã Dân Hoà); làng Bình Đà (xã Bình Minh) trước nổi tiếng cả nước với nghề làm pháo, nghề cơ khí ở làng Rùa xã Thanh Thùy hay làng giò chả Ước Lễ…, làng miến Cự Đà
Những chiếc nón của làng Chuông từng được dùng để cung tiến Vua, Chúa thời phong kiến. Ngày nay, sản phẩm của làng còn được dùng làm đạo cụ cho các bộ phim cổ trang hay tham gia vào các show diễn thời trang. Với ưu điểm chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp, lại dùng được trong lao động nên sản phẩm của làng luôn được khách hàng ưa chuộng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài bán trong nước, nón làng Chuông còn được xuất khẩu sang nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản…
Từ bao đời nay, nón lá đã trở thành một phần máu thịt của văn hóa Việt Nam, là dấu ấn thời gian mang đậm tình người. Nón lá gắn liền với hình ảnh người con gái Việt Nam và làng Chuông thì gắn liền với hình ảnh nón lá. Làng Chuông tương đối gần với Hà Nội, chỉ chừng 40km về phía Tây, theo hướng về Thanh Oai. Có lẽ, trong đời, nên đến làng Chuông một lần để hiểu thêm về nón, về hình ảnh của bà, của mẹ ta ngày trước.
Làm nón không chỉ có làng Chuông, nhưng làng Chuông là làng làm nón nổi tiếng khắp miền Bắc. Trải qua bao thăng trầm, bể dâu, làng vẫn tồn tại đến bây giờ. Nón làng Chuông xưa kia là món quà tiến hoàng hậu, công chúa. Nón mang một vẻ đẹp rất riêng, được làm nên bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Ngày nay, nón làng Chuông không dùng để tiến cung như trước, nhưng nón dần có mặt ở khắp mọi nơi, từ trong cho tới ngoài nước, góp phần mang hình ảnh Việt Nam duyên dáng đi xa.
Ở Thanh Oai cũng có một làng nghề nức tiếng đến ngày nay vẫn được lưu giữ. Đó chính là làng miến Cự Đà. Ngôi làng cửa những vàng ươm sắc nắng. Làng Cự Đà ngay gần trung tâm Hà Nội. Đi về phía Thanh Oai độ 20km, ta dễ dàng bắt gặp một ngôi làng đơn sơ nằm bên bờ sống Nhuệ lúc nào cũng vàng ươm màu của miến.
Không như một số nghề mang tính thời vụ, chỉ hoạt động vào một số dịp trong năm. Miến Cự Đà được nhuộm nắng từ ngày này qua ngày khác. Quanh năm người dân ở đây sống với nghề làm miến. Bận rộn nhất có lẽ là lúc cuối năm. Người người nhà nhà muốn tìm lại cái vị dân gian truyền thống. Làng Cự Đà lại rộn rịp những sân phơi. Những dải miến óng ánh, vàng ươm ngập tràn từ đầu thôn tối cuối xóm. Gặp Cự Đà vào những khoảng khắc ấy, ta ngỡ như có thể thấy được cả nắng, cả mây cùng hòa quyện.
Chỉ với 30 phút đến 60 phút đi xe máy từ trung tâm thành phố Hà Nội, chúng ta đã có thể có những trải nghiệm thú vị về những vẻ đẹp quê hương Việt Nam.