Đảm bảo thực chất và đúng quy định trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh Gia Lai đã được đầu tư, phát triển và đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Đặc biệt, sau khi được phân cấp quyền, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đảm bảo đúng quy định và chất lượng thực chất.

Đa dạng hóa sản phẩm địa phương

Từ năm 2019, huyện Chư Păh đã có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Các sản phẩm OCOP tại đây không chỉ khẳng định chất lượng mà còn nhận được sự đánh giá cao từ người tiêu dùng và tiếp tục giữ nhãn hiệu OCOP để tham gia các hoạt động quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

danh-gia-phan-hang-san-pham-ocop-bg.jpg

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: N.D

Bà H’Uyên Niê, nghệ nhân dệt khăn quàng cổ thổ cẩm tại làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên tôi tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm khăn dệt của làng. Ý tưởng xuất phát từ mô hình ‘Làng văn hóa-du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông.’ Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp và PTNT về thủ tục hồ sơ và vốn đầu tư ban đầu, giúp sản phẩm chuẩn bị hoàn tất đánh giá, phân hạng vào đợt 2 của năm 2024. Hy vọng sản phẩm được chứng nhận OCOP để mở rộng sản xuất và phục vụ khách du lịch ổn định.”

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 47 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 280 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, bao gồm 291 sản phẩm thực phẩm, 22 sản phẩm dược liệu, 10 đồ uống, 3 thủ công mỹ nghệ và 1 sản phẩm sinh vật cảnh.

Đảm bảo đánh giá thực chất

2khach-hang-tim-hieu-san-pham-ocop-tai-phien-cho-xuan-2024-huyen-dak-doa.jpg

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm OCOP tại phiên chợ Xuân 2024 huyện Đak Đoa. Ảnh: N.D

Từ năm 2023, tỉnh Gia Lai đã phân cấp cho các địa phương tự thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Để đảm bảo tính khách quan, các Hội đồng đánh giá cấp huyện thường mời đại diện từ Hội đồng đánh giá cấp tỉnh tham gia. Cơ quan cấp huyện sẽ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm OCOP 3 sao, còn sản phẩm được đánh giá 4 sao sẽ được gửi lên Hội đồng cấp tỉnh để xem xét và phân hạng.

Việc phân cấp này giúp rút ngắn quy trình đánh giá và tạo điều kiện để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm được hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, giúp quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.

Bà Trần Thị Thúy Hằng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh, cho biết: “Chương trình OCOP nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp và ngành trong tỉnh. Nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao với mẫu mã, bao bì phong phú, đảm bảo đầy đủ nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.”

Để đảm bảo quy trình đánh giá, phân hạng thực chất, Phòng Nông nghiệp và PTNT kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ từ đầu, nếu không đáp ứng sẽ yêu cầu chủ thể chỉnh sửa theo đúng quy định.

Theo ông Trần Văn Văn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay, 11/17 địa phương trong tỉnh đã hoàn thành đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Văn phòng đang tích cực thúc đẩy các địa phương còn lại khẩn trương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao, đồng thời gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp tỉnh để đánh giá các sản phẩm 4 sao. Văn phòng cũng tiến hành rà soát những sản phẩm đã hết hạn công nhận OCOP để có phương án xử lý kịp thời.

Nguồn: Gia Lai Online (https://baogialai.com.vn/danh-gia-phan-hang-san-pham-ocop-dam-bao-thuc-chat-dung-quy-dinh-post299793.html)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *