Đặc điểm chung của các tỉnh Nam Trung bộ là có bờ biển dài, nhiều đầm vịnh thuận lợi để phát triển nuôi, trồng thủy sản nhưng cũng thường xuyên gặp bão, lũ. Khu vực phía Tây lại là đồi núi, có độ dốc cao, đồng bằng nhỏ hẹp, khó hình thành các vùng chuyên canh có quy mô diện tích lớn.
Nông nghiệp của các địa phương này chủ yếu sản xuất các cây trồng truyền thống đảm bảo sinh kế, khó hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa lớn. Một số sản phẩm như trái thanh long, tôm hùm… lại phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Hiện nay, các địa phương này đang từng bước chuyển dịch sang trồng các loại cây trồng đặc hữu có giá trị thương mai cao hơn cây trồng truyền thống như dược liệu, rừng gỗ lớn, các loại cây gia vị, cây ăn quả.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, việc chuyển đổi đất trồng mía sang trồng đậu phộng tại địa phương đã cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, Bình Định đang hướng đến phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.
“Bình Định sẽ chuẩn hóa các sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu OCOP, định hướng sớm nhất sẽ là bưởi da xanh OCOP cho huyện Hoài Ân và 1.000 ha dừa xiêm của huyện Phù Cát. Ngoài ra, tỉnh cũng xúc tiến, hỗ trợ, phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp tham quan những vườn xoài, thích hợp để làm du lịch sinh thái. Dự kiến các sản phẩm OCOP sẽ có giá trị cao khi hướng đến thị trường nội địa”, bà Trân định hướng.
Duyên hải Nam Trung bộ có bờ biển dài, ngư trường rộng gắn liền với sinh kế của cả triệu ngư dân các làng chài. Tuy nhiên, thực tế, các đội tàu công suất nhỏ, ngư dân ít được đào tạo, nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, lâu nay, các địa phương vẫn đánh bắt thủy sản chạy theo sản lượng dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nguồn lợi và môi trường. Các địa phương cần phải thay đổi phương thức vừa khai thác, vừa tăng cường bảo tồn, chuyển đổi nghề khai thác gần bờ sang nuôi trồng. Các cảng cá trong đô thị cũng cần phát triển tích hợp với dịch vụ du lịch để tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.
“Quy hoạch thủy sản đã xác định địa điểm các khu đồng quản lý gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các địa phương định hướng cho bà con không đi khai thác để chuyển sang bảo vệ khu vực sau đó tổ chức khai thác. Tuy nhiên, quá trình khai thác phải đảm bải đúng mùa, đúng vụ, đúng kích cỡ và sản lượng được tính toán đầy đủ. Chỉ cần 3 năm sau sẽ nhìn thấy nguồn lợi thủy sản tại khu vực được ngư dân quản lý sẽ phong phú trở lại, thấy được nụ cười của bà con ngư dân. Nếu chỉ cấm ngư dân khai thác sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và chỉ có người địa phương mới hiểu điều này và có kế hoạch từ ngắn hạn”, ông Luân chỉ ra.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần nhìn nền kinh tế theo cách tiếp cận đa dụng, đa chức năng, đa giá trị. Với điều kiện thiên nhiên, các tỉnh Nam Trung bộ có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực như nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, nuôi yến sào, xây dựng các vùng trồng cây chuyên canh…
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nam Trung bộ là khu vực có thế mạnh rất lớn về phát triển du lịch. Các địa phương cần hướng đến sự kết hợp phát triển giữa nông nghiệp và du lịch để bổ trợ lẫn nhau, tạo ra những sản phẩm đặc thù, mang lại giá trị cao hơn cho cả nông nghiệp và du lịch.
“Tư duy tích hợp phải rõ hơn và thấm đẫm hơn bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Khoan hãy nghĩ tới xuất khẩu, tất cả những bếp ăn, nhà hàng phải trưng bày các sản phẩm OCOP. Với 6 tỉnh ven biển hiện nay, bản thân các mô hình của ngành nông nghiệp để phục vụ cho du lịch đã đủ dư địa, nên các khu đô thị, các khu du lịch ven biển cần làm sao để có khách tới kết nối giữa du lịch và nông nghiệp là điều quan trọng phải làm ngay lúc này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/duyen-hai-nam-trung-bo-tich-hop-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-post1001483.vov