Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng hoạt động thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tích tụ, tập trung ruộng đất, quy tụ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao đời sống và thu nhập cho lao động vùng nông thôn.
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 405 HTX nông nghiệp đang hoạt động, song đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không có đất để xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho… Đất đai sản xuất chủ yếu là đất của thành viên, HTX chỉ cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất, không có quỹ đất chung, không được trực tiếp quản lý sản xuất, không có quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp với các tổ chức tín dụng để vay vốn. Đây là rào cản trong việc tổ chức sản xuất tập trung theo hình thức cánh đồng lớn, khó quản lý vùng sản xuất theo những tiêu chuẩn chung để nâng cao giá trị thương mại của nông sản.
Đơn cử, tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), trong 8 năm hoạt động, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao với 60,4 ha của thành viên và 260 ha của nông dân liên kết.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX cho biết, nhu cầu cấp thiết của HTX là thuê được diện tích đất khoảng 1 ha để làm trụ sở và xây dựng quy trình sản xuất từ trồng vườn mẫu đến chế biến sau thu hoạch, bảo quản, rang xay ra thành phẩm cuối cùng. Đây sẽ là nơi kết nối với thành viên và nông dân cũng như tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, hợp tác đầu tư.
Sau nhiều năm kiến nghị, HTX vẫn chưa được giải quyết cho thuê đất vì không có nguồn quỹ đất thích hợp. Trụ sở kiêm nhà kho, nhà rang xay, đóng gói của HTX hiện vẫn là một khu nhà tiền chế trên diện tích của thành viên cho mượn, diện tích chỉ vỏn vẹn 500 m2. Trước yêu cầu của quy trình sản xuất cà phê đặc sản, năm 2021, HTX đã thuê thêm 1.000 m2 đất nông nghiệp của thành viên làm nhà màng phơi và lên men quả chín. Trong điều kiện thuê đất ngắn, HTX không thể đầu tư kiên cố cổng, hàng rào và các công trình khác nên không đảm bảo an toàn về tài sản.
Thu hoạch cà phê tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu. |
Còn tại HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) mặc dù được nhà nước cho thuê và cấp bìa trên tổng diện tích lên đến 383 ha đất trồng lúa nhưng đây lại không phải là tài sản bảo đảm được các tổ chức tín dụng chấp nhận. Muốn được vay vốn ngân hàng để tổ chức sản xuất, đầu tư hạ tầng, máy móc, HTX đều phải mượn bìa đỏ của các thành viên. Còn với 6.200 m2 đất làm trụ sở cùng các công trình trên đất HTX tiếp nhận từ khối tài sản sau giải thể của Nông trường 714 từ năm 2010 đến nay, vẫn không được cấp bìa.
“Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp”, trong đó có giải pháp “xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp” là một trong những yêu cầu mà Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặt ra. Để cụ thể hóa điều này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định mới tại chương VIII về phát triển quỹ đất. Theo đó, một trong những chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất là “tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp và các nhiệm vụ khác”. Đây là một điểm mới được các HTX nông nghiệp kỳ vọng có thể tháo gỡ khó khăn trước thực trạng khó tiếp cận với ưu đãi “giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động” theo Điều 6, Luật Hợp tác xã năm 2012.
Hạ tầng của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu không thể đầu tư xây dựng kiên cố trên đất thuê ngắn hạn của thành viên. |
Điều 80, 81 quy định nhiều trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất… đã thể hiện rõ nguyên tắc sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ đất được quy định tại Điều 6 của dự thảo luật này. Đây cũng là điểm mới khắc phục thực trạng nhiều diện tích đất đang bị lãng phí, không sử dụng đúng mục đích hoặc không phát huy hiệu quả thời gian dài. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi được nhà nước cấp quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất. “Điểm mới này khi đưa vào thực hiện sẽ tháo gỡ thực trạng nhiều diện tích đất quy hoạch “treo” hoặc không được sử dụng hiệu quả vẫn đang bị bỏ không trong khi HTX vô cùng “khát” đất để phục vụ hoạt động sản xuất”, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh Đắk Lắk, Điều 9 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu Nhà nước khuyến khích “tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn”, tuy nhiên, cần làm rõ hơn cơ chế khuyến khích việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất theo quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, khoanh vùng các khu vực chuyên canh gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, địa phương trong việc tổ chức thi hành các luật, nhất là các chính sách có liên quan đến HTX nông nghiệp.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202303/giai-con-khat-ve-dat-cho-hop-tac-xa-nong-nghiep-3f92d3c/