Huyện Nghi Lộc xây dựng sản phẩm OCOP

Xác định việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên thời gian qua, huyện Nghi Lộc đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, phát triển các sản phẩm,…

Thương hiệu OCOP từ nông sản quê hương

Nghi Mỹ là vùng đất đầy tiềm năng về nguồn nông sản, nhưng luôn bấp bênh vì được mùa lại mất giá, đã vậy lại không có giá trị cao khi hầu hết được xuất bán dạng thô… Thấy rất rõ điều đó, chị Trần Thị Thu Hằng có ý tưởng thu mua những nông sản sạch của địa phương để sản xuất thực phẩm dinh dưỡng. Năm 2016, chị Hằng bắt đầu thu gom các loại hạt về tự rang trên bếp chảo, đi thuê xay hạt làm ngũ cốc phục vụ cho gia đình và người quen, sau đó sản phẩm này được người dân trong vùng tín nhiệm rất cao.

Sản xuất ngũ cốc tại Công ty TNHH Mami Farm

Trên cơ sở đó, năm 2019, chị quyết định đầu tư cơ sở sản xuất tại nhà riêng có diện tích rộng 100m2, lắp đặt 5 máy xay và tạo việc làm cho người dân trong xã cùng hơn 100 cộng tác viên phân phối trong tỉnh, trong nước. Năm 2020, chị Hằng tiếp tục mở rộng xưởng 300m2 và lắp đặt thêm thiết bị đáp ứng nhu cầu cho thị trường.

Năm 2021, chị quyết định thành lập Công ty TNHH Mami Farm và nâng cấp sản phẩm thành dạng gói tiện lợi, bổ sung đường phèn mật mía của Nghệ An, an toàn, tiện lợi; đồng thời đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, với 7 nhân viên cố định và hơn 500 cộng tác viên phân phối sản phẩm khắp toàn quốc. Thị trường ổn định, công ty trở thành địa chỉ chuyên thu mua nông sản giúp bà con ổn định đầu ra, tạo thu nhập cho các lao động trong địa bàn xã Nghi Mỹ.

Điểm nổi bật của sản phẩm ngũ cốc là kết hợp giữa 25 loại hạt nông sản thu gom từ trong xã và vùng lân cận kết hợp với hạt nhập khẩu cao cấp, sản phẩm cung cấp dinh dưỡng, đảm bảo vừa thơm ngon, tiện lợi lại đủ đầy dinh dưỡng. Mới đây, Hội đồng chấm, xếp hạng sản phẩm OCOP của huyện Nghi Lộc đã tiến hành đánh giá các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao là bột ngũ cốc dinh dưỡng tiện lợi, bộ ngũ cốc cao cấp của Công ty TNHH Mami Farm.

Chị Trần Thị Thu Hằng chia sẻ: “Cùng với việc phát huy nguồn lực của mình, trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của các cấp, ngành liên quan. Công ty được Liên minh HTX, Hội Phụ nữ, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… hỗ trợ, tiếp cận vốn, nên gặp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm phù hợp với mọi đối tượng khách hàng, mở rộng quy mô sản xuất, kết hợp với các hợp tác xã để trồng nông sản đạt chuẩn và tạo việc làm cho bà con, nguồn ra ổn định hơn cho nông sản. Đơn vị cũng nỗ lực để sản phẩm Mami Farm sẽ là thương hiệu ngũ cốc được tin dùng trên thị trường Việt – là niềm tự hào của quê hương và sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài”.

Mỗi xã một sản phẩm

Theo định hướng của tỉnh, huyện Nghi Lộc có 9 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Nghệ An. Qua việc đối soát với thực tế hiện tại thì có 3 sản phẩm không còn sản xuất hoặc không xác định được địa chỉ chủ thể sản xuất (gỗ nội thất thị trấn, đá mỹ nghệ Thiện Tâm, dưa chuột Nghi Hoa); 1 sản phẩm gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (chổi đót Nghi Hưng); 5 sản phẩm có thể tham gia và có khả năng được công nhận sản phẩm OCOP (gồm tinh bột nghệ Nghi Kiều, hành tăm Nghi Lâm, lúa thảo dược Nghi Kiều, lúa chất lượng cao Nghi Kiều, mây tre đan Nghi Thái).

Mô hình trồng dưa lưới cho thu nhập cao của gia đình anh Đinh Quang Hoàng ở xã Nghĩa Trung

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã rà soát các xã đã đăng ký sản phẩm tham gia chương trình, nhưng qua đối chiếu với tiêu chí phân hạng sản phẩm tại thời điểm hiện tại, có 1 sản phẩm là bộ môi muỗng gỗ của Công ty TNHH SXTM Hồng Sơn đã đạt hạng 3 (đạt 61 điểm); có 5 sản phẩm đạt hạng 2 sao (đạt 30 đến 49 điểm); 9 sản phẩm đạt hạng 1 sao (đạt dưới 30 điểm). Để đạt mục tiêu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, huyện định hướng thêm 22 sản phẩm, trong số đó, có một số sản phẩm, dịch vụ được đánh giá tốt và có triển vọng sớm trở thành sản phẩm có thứ hạng OCOP cao như: Dưa lưới (DNTN Hùng Thanh, Khánh Hợp), du lịch sinh thái Đập Bưởi (Nghi Văn), du lịch sinh thái Đại Huệ (Nghi Hưng)…

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP huyện Nghi Lộc giai đoạn 2021-2025, thời gian qua huyện đã xây dựng Đề án thực hiện và đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 25/6/2021. Trên cơ sở đó, thành lập Hội đồng chấm, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và triển khai Đề án đến tất cả các phòng, ngành, địa phương, đơn vị, đồng thời bổ sung chức năng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên liên quan thực hiện Chương trình OCOP.

Các nghệ nhân làng nghề Nghi Thái

Đến nay, huyện đã tiến hành hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất, các địa phương tích cực vào cuộc và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm (hỗ trợ thực hiện quy trình sản xuất theo hướng VietGAP đối với dưa lưới Khánh Hợp, dưa lưới Nghi Trung, rau Nghi Thuận; tem truy xuất sản phẩm đối với bưởi da xanh Nghi Văn, rau Nghi Thuận,…). Hiện nay, Hội đồng chấm, xếp hạng sản phẩm OCOP đã tiến hành đánh giá các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình trên địa bàn huyện, kết quả đã có 5 sản phẩm tham gia (2 sản phẩm đạt hạng 4 sao là bột ngũ cốc dinh dưỡng tiện lợi, bộ ngũ cốc cao cấp của Công ty TNHH Mami Farm, Nghi Mỹ; 1 sản phẩm đạt hạng 3 sao là dầu lạc HTX Nghi Long, 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ và dự kiến có thể được xếp hạng từ 3 sao trở lên là dưa lưới Nghi Trung và bộ môi muỗng gỗ Nghi Lâm).

“Huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức từ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở huyện đến cơ sở và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thông qua đó làm thay đổi cách nghĩ, cách làm về Chương trình OCOP. Hàng năm, tiến hành giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho các địa phương, các ban, ngành. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP và hỗ trợ ứng dụng khoa học – công nghệ. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ thực hiện và chú trọng hỗ trợ huy động nguồn lực, tiếp cận cơ chế, chính sách khi thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, huyện xác định nguồn lực lớn nhất là huy động từ cộng đồng, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất kinh doanh tiếp cận, huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để tham gia Chương trình OCOP. Hàng năm, huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ, khuyến khích thực hiện một số nội dung Chương trình OCOP và dự kiến tổng nguồn kinh phí hỗ trợ trong 5 năm (2021 – 2025) là 6,42 tỷ đồng”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *