Nhiều năm qua, làng nghề mì gạo Hùng Lô không chỉ tiếp tục giữ gìn truyền thống lâu đời mà còn bắt kịp với công nghệ hiện đại, hứa hẹn trở thành điểm đến với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Làng nghề truyền thống với thương hiệu riêng
Làng nghề mì gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì), một trong những niềm tự hào của tỉnh Phú Thọ bao năm qua đã gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương. Người dân nơi đây luôn tự hào vì truyền thống bao năm sản xuất và chế biến đa dạng các sản phẩm, từ bánh chưng, bánh dày đến miến gạo hay mì sợi… Năm 2004, làng cổ được công nhận là làng nghề truyền thống và Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô được thành lập 7/2016 để chủ động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, nhờ đó từng bước xây dựng thương hiệu và khẳng định uy tín với người tiêu dùng. Hơn thế, làng nghề truyền thống Hùng Lô còn là địa danh thu hút lượng khách tham quan ngày càng nhiều, khẳng định tiềm năng trong việc phát triển du lịch của địa phương.
Mì gạo Hùng Lô, một sản phẩm của Hợp tác xã Hùng Lô, đã vinh dự được cấp giấy chứng nhận sản phẩm 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Bà Nguyễn Thị Hảo, một lao động của Hợp tác xã cho biết, ở đây các công đoạn làm mì sạch sẽ, gọn gàng, mì bột lọc rất ngon, gạo trắng, trong. “Sản phẩm của làng nghề chúng tôi không chỉ đến với các địa phương gần xa trong nước, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài tới các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản…”- bà Hảo tự hào.
Làng nghề luôn gắn bó với đời sống người lao động
Bước chân vào cơ sở sản xuất mì gạo của Hợp tác xã Hùng Lô, có thể bắt gặp khung cảnh lao động sản xuất đầy hăng say và nhộn nhịp với tiếng máy móc “vui tai”. Các công đoạn từ cắt mì, đóng gói đến vận chuyển, đều được thực hiện năng suất bởi đôi bàn tay thoăn thoắt của những người lao động đã gắn bó lâu năm với nghề.
Đa phần người lao động đang làm việc tại Hợp tác xã là những người dân của làng nghề, trong đó có nhiều người tuổi không còn trẻ nữa. Hợp tác xã đã mang lại công ăn việc làm, giúp họ kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. “Mì truyền thống Hùng Lô có từ xưa đến nay rồi. Nhà tôi ngày xưa cũng làm, bây giờ các cháu đi vắng xa thì tôi vào Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô làm việc, vừa có việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định” – bà Hảo chia sẻ.
Những lao động như bà Hảo còn tìm thấy niềm vui, sự hài lòng, thoải mái trong công việc hàng ngày. Anh Cao Ngọc Tuấn – một lao động làm việc tại Hợp tác xã cũng bộc bạch: “Mình làm việc tại đây hơn một năm rồi, cảm thấy công việc ở đây cũng nhàn nhã, hợp với sức của mình, lại có thu nhập ổn định”.
Khi ghé thăm khu vực sản xuất, khách tham quan có cơ hội được thưởng thức ngay tại chỗ những khuôn mì nóng hổi, thơm ngon vừa mới ra lò và lắng nghe những câu chuyện về công việc và cuộc sống của nhân công. Thế mới thấy, những người dân trong Hợp tác xã nơi đây thân thiện, gần gũi và yêu nghề, say nghề đến nhường nào.
“Phương trình” phát triển trong tương lai
Trải qua nhiều năm với nhiều biến đổi lớn trong phương thức sản xuất, mì gạo Hùng Lô vẫn luôn tạo dựng được vị thế của mình với hương vị truyền thống, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đưa mì gạo trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (One Commune One Product – Mỗi xã một sản phẩm), mô hình sản xuất và kinh doanh của Hợp tác xã Hùng Lô cũng phải đạt được những điều kiện nhất định, từ mô hình sản xuất, các thiết bị máy móc đến hệ thống nhân công. Đồng thời, Hợp tác xã cũng phải nắm bắt được thị hiếu người dùng và có kế hoạch tiếp cận các thị trường, từ đó đưa ra các kế hoạch quảng bá hay ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp, siêu thị lớn.
Việc Hợp tác xã cho ra đời sản phẩm mì gạo lứt bên cạnh mì gạo trắng truyền thống cho thấy sự nhanh nhạy và khả năng bắt kịp với thị hiếu người dùng, thêm vào đó là xây dựng một trang web riêng để quảng bá sản phẩm và cung cấp những thông tin cụ thể về các mặt hàng.
Dịp tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề, đồng nghĩa với nhu cầu chọn mua và sử dụng sản phẩm đang tăng cao. Những sản phẩm của làng nghề Hùng Lô nói chung và sản phẩm mì gạo nói riêng không nằm ngoài nhu cầu đó. Điều này đặt ra yêu cầu đối với Hợp tác xã phải đẩy nhanh sản xuất, thúc đẩy tốc độ các công đoạn sản xuất, chế biến, đóng gói… của quá trình làm ra sản phẩm mì gạo.
“Phương trình” được đặt ra về sự phát triển của Hợp tác xã phản ánh nhiều thách thức đối với các làng nghề trong thời kỳ mới. Ngày nay, các làng nghề truyền thống đã bắt đầu “chuyển mình” để bắt kịp thị hiếu người dùng, từ đó từng bước xây dựng được thương hiệu riêng.
Đơn cử, làng nghề Hùng Lô đã dần đưa các thiết bị, máy móc tiên tiến vào hoạt động sản xuất, tuy nhiên vẫn đảm bảo gìn giữ được những nét đẹp truyền thống của một làng nghề lâu đời. Đây là yếu tố quan trọng trong đường hướng phát triển của Hợp tác xã, từ một đơn vị sản xuất đơn thuần thành một điểm tham quan của du khách mọi miền, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và du lịch cho tỉnh Phú Thọ.
Nguồn: https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/lang-nghe-mi-gao-hung-lo-thuong-hieu-cua-tuong-lai-39929.vov2