Chủ trì buổi làm việc về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu, phải bảo đảm tính khả thi, thiết thực, dễ tiếp cận, dễ đi vào cuộc sống của các chính sách phát triển hợp tác xã.
Ngày 17.2, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Kinh tế về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự luật này nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội. Đến nay, dự luật còn 3 nội dung có ý kiến khác nhau gồm: Tên gọi của dự luật; Liên đoàn Hợp tác xã và tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất cao về việc giữ nguyên tên gọi là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm tập trung ưu tiên chính sách phát triển đối với hợp tác xã và bảo đảm bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các hình thức tổ chức hợp tác xã phát triển từ thấp đến cao (gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã…).
Hơn nữa, tên gọi Luật Hợp tác xã còn phản ánh được các đặc trưng của hợp tác xã là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện giữa các thành viên, tương trợ, chia sẻ và đáp ứng nhu cầu của các thành viên.
Việc giữ tên Luật Hợp tác xã còn giảm chi phí tuân thủ pháp luật cũng như các hệ luỵ có thể phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự luật hết sức quan trọng, không chỉ tác động đến hoạt động của các hợp tác xã, mà còn tác động sâu, rộng đến nhiều thành phần kinh tế và các lĩnh vực khác.
Tuy tỷ trọng đóng góp vào GDP không quá lớn, nhưng hợp tác xã là thành phần kinh tế rất quan trọng, gắn liền với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, nhất là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và góp phần củng cố thành phần kinh tế tập thể của đất nước.
Nhất trí giữ tên Luật Hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tên gọi là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phạm vi điều chỉnh của dự luật như thế nào.
Đặc biệt, phải rà soát để bảo đảm tính khả thi, minh bạch của các chính sách phát triển hợp tác xã. Bởi thực tế vừa qua, dù nhiều chính sách được ban hành nhưng hợp tác xã vẫn rất khó tiếp cận, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội…
Về Liên đoàn hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu chưa có đủ cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc quy định trong luật thì có thể thực hiện thí điểm trước, trên cơ sở đó mới tiến hành tổng kết, đánh giá để luật hoá.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí cần tiếp tục củng cố hơn nữa vai trò của Liên minh Hợp tác xã bởi đây là tổ chức đã được thành lập từ lâu để thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, quy định về tỷ lệ cung ứng dịch vụ cần theo nguyên tắc trước hết phải bảo đảm cung ứng cho thành viên hợp tác xã; cần bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nội bộ trong dự luật.
Liên quan đến quy định về kiểm toán hợp tác xã, các ý kiến đề nghị phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo tính khả thi của quy định này. Cân nhắc quy định thành lập kiểm toán nội bộ hay theo kinh nghiệm thế giới là mô hình kiểm toán độc lập thuộc Liên minh Hợp tác xã. Bởi việc thành lập kiểm toán nội bộ sẽ tạo thêm khó khăn, gánh nặng cho các hợp tác xã.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/luat-hop-tac-xa-tac-dong-sau-rong-den-nhieu-thanh-phan-kinh-te-linh-vuc-1148762.ldo