Năm 2020 chè Gay Cao Sơn được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP. |
Xuất phát từ ý tưởng làm ra những sản phẩm chất lượng, thiết thực cho người tiêu dùng, sử dụng từ nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có tại địa phương, năm 2017 chị Nguyễn Thị Nga, chủ thương hiệu thảo mộc Đồng Quê ở xã Khai Sơn huyện Anh Sơn bắt tay vào sản xuất các sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên.
Chuỗi sản phẩm thảo mộc Đồng Quê tại xã Khai Sơn được sử dụng từ nguồn thảo dược từ thiên nhiên, sẵn có tại địa phương. |
Chị Nga chia sẻ: Để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm đầu tiên gia đình chị đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho 2 sản phẩm là Tinh bột nghệ, viên hà thủ ô mật ong rừng và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Sau khi được chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, khách hàng tin tưởng, thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng…
Sau 5 năm khởi nghiệp, đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nga ở xã Khai Sơn huyện Anh Sơn đã có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Không dừng lại ở đó, năm 2020 gia đình chị mở rộng quy mô và sản xuất thêm các sản phẩm mỹ phẩm chuẩn hữu cơ bằng các loại lá thảo dược gồm dầu gội, dung dịch vệ sinh, sữa tắm bé, tinh dầu bưởi Đồng Quê và Bột ngũ cốc nana… Sau 5 năm khởi nghiệp, đến nay, gia đình chị đã có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, với hơn 3000 nhà phân phối toàn quốc. Theo chị Nga, để thực hiện chương trình, sản phẩm chị làm ra luôn chú trọng đến chất lượng, quy trình sản xuất, tuyệt đối an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời sản phẩm có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.
Mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng và gà thịt theo phương pháp an toàn sinh học của gia đình anh Bùi Đăng Cường, thôn 4 xã Lĩnh Sơn thu lãi trên 200 đồng mỗi năm. |
Chọn hướng chăn nuôi gà đẻ trứng và gà thịt theo phương pháp an toàn sinh học, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tỷ lệ hao hụt vật nuôi thấp, dịch bệnh chưa từng xảy ra ở trang trại, đã giúp gia đình anh Bùi Đăng Cường, thôn 4 xã Lĩnh Sơn thu lãi trên 200 đồng mỗi năm. Theo anh Cường, trước đây do chưa có kinh nghiệm, gia đình anh nuôi gà theo phương pháp truyền thống nên gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nuôi theo phương pháp truyền thống gà thường hay bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, gà tăng trọng thấp. Năm 2019, gia đình áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thường xuyên bổ sung các thảo dược như: lá mơ lông, bột nghệ, tỏi, mật ong; nuôi thời gian dài 6-7 tháng và tách thức ăn công nghiệp trước 2 tháng, chỉ cho ăn thuần ngũ cốc nên phẩm chất thịt thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng. Năm 2020, 2 sản phẩm trứng gà thảo dược và gà thịt thảo dược của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp sạch của anh Bùi Đăng Cường làm chủ được công nhận đạt 3 sao OCOP.
Năm 2020, 2 sản phẩm trứng gà thảo dược và gà thịt thảo dược của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp sạch của anh Bùi Đăng Cường làm chủ được công nhận đạt 3 sao OCOP. |
Huyện Anh Sơn hiện có 17 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP, đây đều là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thế mạnh và mang tính đặc trưng của huyện như: Cam Bù Kim Nhan, Chè Gay Cao Sơn; Cam Hương Hoá xã Đỉnh Sơn; Trà xanh Hùng Sơn; Thịt gà thảo dược, trứng gà thảo dược Lĩnh Sơn; Dầu gội, dung dịch vệ sinh, sữa tắm bé, tinh dầu bưởi Đồng Quê…Có thể khẳng định, chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện Anh Sơn không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn mà còn từng bước xây dựng, hình thành, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị từ tổ chức sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đây được coi là hướng đi đúng trong việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Anh Sơn gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch cộng đồng và định hướng cho các sản phẩm vươn ra tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Huyện Anh Sơn hiện có 17 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP. |
“Để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030. Hàng năm đều tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP huyện, xã, thị trấn và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất đăng ký tham gia chương trình. Tích cực tuyên truyền các hợp tác xã, các hộ dân về ý nghĩa, hiệu quả chương trình, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…; Chỉ đạo các địa phương xác định đúng tiềm năng, lợi thế các vùng tạo ra sản phẩm hàng hóa, chú trọng nâng cao chất lượng, các khâu sản xuất, đảm bảo an toàn đáp ứng đúng bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản” – ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn trao đổi.
Nguồn: https://truyenhinhnghean.vn/kinh-te/202301/anh-son-nang-cao-gia-tri-san-pham-tu-chuong-trinh-ocop-a8e2cca/