Thời gian qua, việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã “gặt hái” được những thành quả nhất định. Nhiều đơn vị, địa phương thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, cũng còn không ít sản phẩm OCOP chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, giới thiệu, khả năng thương mại hạn chế.
Ðưa sản phẩm OCOP đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đang là yêu cầu cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, chương trình OCOP hiện đã lan tỏa, phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Trong hơn 8.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, có 40% sản phẩm có chủ thể là hợp tác xã và tổ hợp tác. Ngoài ra, chương trình OCOP còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế các làng nghề truyền thống.
Đa dạng sản phẩm
Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập cho biết: Ðến nay, tỉnh đã công nhận được 148 sản phẩm OCOP (90 sản phẩm 4 sao, 58 sản phẩm 3 sao). Là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, dự kiến từ nay tới cuối năm, tỉnh sẽ công nhận thêm 30 sản phẩm OCOP và đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ công nhận được 200 sản phẩm OCOP.
Tỉnh Ðồng Tháp hiện có 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 61 sản phẩm OCOP 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao. Ðến nay, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, 100 sản phẩm trên sàn VoSo, 76 sản phẩm trên Lazada, 73 sản phẩm trên sàn Co.opmart… Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến việc kết nối sản phẩm OCOP với các siêu thị trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Ðồng Tháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên các kênh thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử; xây dựng các chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; phát triển chuỗi liên kết giữa chủ thể với các doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Ðông, hiện toàn tỉnh có 104 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 83 sản phẩm đạt 3 sao. Với 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, Sở đã chỉ đạo lập hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có hai sản phẩm đường mật pha dừa và bốn sản phẩm về kẹo dừa sáp. Những sản phẩm tiềm năng có sức bán tăng 40-50%. Tỉnh Trà Vinh đã có các cơ chế, chính sách về việc tiếp tục tăng cường, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cho từng sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, địa phương đã hỗ trợ xây dựng hồ sơ giới thiệu các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ 6 sản phẩm tiềm năng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Sắp tới, Trà Vinh có thể có hơn 200 sản phẩm OCOP và tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quản lý chất lượng sản phẩm, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP với các địa phương trên cả nước.
Ðối với tỉnh Cà Mau, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Bá Thuấn cho biết: Cà Mau hiện có 77 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao, hầu hết đều thuộc nhóm thực phẩm. Các sản phẩm được xúc tiến phân phối tại hệ thống siêu thị, đại lý trên cả nước cũng như các sàn thương mại điện tử, trưng bày bán hàng tại các khu du lịch. Có sản phẩm bước đầu đã xuất khẩu sang Australia, Canada, Singapore.
Theo đó, có 30% sản phẩm doanh thu tăng từ 5-8%, hầu hết sản phẩm có giá bán tăng 5-10%. Thời gian tới, địa phương sẽ xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP để tiếp cận các thị trường Hàn Quốc, Australia, Thái Lan.
Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP
Theo Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực phía nam Lê Viết Bình, hiện nay đang tồn tại thực trạng là số lượng các sản phẩm OCOP tại các địa phương tăng nhanh một cách ồ ạt nhưng lại chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù cho nên chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP cũng như hiệu quả của chương trình OCOP chưa cao.
Ðặc biệt, việc phát triển sản phẩm OCOP còn rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các sản phẩm trong cùng một địa phương và các địa phương trong cùng một vùng để nâng cao hiệu quả sản xuất; việc thương mại hóa các sản phẩm OCOP cũng chưa đạt hiệu quả cao.
Ðể khắc phục những hạn chế này, Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, cần có nhiều hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Thí dụ như đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Khi đi du lịch tại một vùng nào đó, du khách luôn muốn mang các sản phẩm địa phương về làm kỷ niệm nên đây là cách tiếp cận gần nhất, hiệu quả nhất với sản phẩm OCOP.
Theo đó, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, thời gian tới, các chủ thể cần sáng tạo hơn về sản phẩm; các địa phương cần hỗ trợ tích cực hơn, có kế hoạch đồng bộ, chi tiết, xem xét các sản phẩm tương đồng trong nước và nước ngoài để xây dựng chiến lược riêng, tránh trùng lặp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Với bài toán kết nối nông sản, cần kêu gọi các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ cùng vào cuộc, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, để phát triển chất lượng và khả năng tiêu thụ sản phẩm OCOP thì cần tăng cường vai trò của hợp tác xã. Thông tin từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 70% số hợp tác xã của cả nước. Tuy nhiên, đóng góp của hợp tác xã và tổ hợp tác trong việc phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với hợp tác xã như: Tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực hợp tác xã; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, triển khai sàn thương mại điện tử Ocop.vn; huy động nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm OCOP… Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, khuyến khích chủ thể sản phẩm OCOP phát triển, bảo hộ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị sản phẩm.
nguồn:http://www.baohoabinh.com.vn/12/172608/Nhan-rong-co-hoi-tieu-thu-san-pham-OCOP.htm