Hợp tác xã có thể tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình. |
Hợp tác xã đã hình thành rất lâu tại Việt Nam. Nhìn chung, sự phát triển của các hợp tác xã Việt Nam có thể được chia thành 5 giai đoạn:
Giai đoạn đầu, từ năm 1954 đến năm 1959, đẩy mạnh thành lập ồ ạt các hợp tác xã trở thành hình thức phổ biến trong các ngành kinh tế, bỏ quên chức năng của kinh tế hộ gia đình và kinh tế tư nhân.
Giai đoạn thứ hai, từ 1960 đến 1986, là giai đoạn phát triển vượt bậc của HTX Việt Nam. Tuy nhiên, các hợp tác xã hầu hết được thành lập theo mô hình của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chứ không phải do nông dân tự chủ hoặc tự nguyện. Trong giai đoạn này, Điều lệ hợp tác xã Việt Nam đầu tiên được ban hành năm 1961.
Giai đoạn thứ ba, giữa năm 1987 và 1996, được gọi là thời kỳ suy thoái hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã giảm mạnh. Việt Nam bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường từ năm 1986. Quốc hội Việt Nam đã ban hành luật đầu tiên về hợp tác xã vào năm 1996.
Giai đoạn thứ tư, từ 1997 đến 2002, được coi là giai đoạn số lượng hợp tác xã giảm dần. Hầu hết các hợp tác xã không dựa trên nhu cầu của nông dân đều bị loại bỏ trong giai đoạn này.
Giai đoạn hiện nay, từ năm 2003 trở đi, là sự phục hồi của sự phát triển HTX. Hợp tác xã chủ yếu được hình thành ở nông thôn. Trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Hợp tác xã năm 2003 (sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 1996) và Luật Hợp tác xã năm 2012 (sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2003). Việt Nam cũng đã áp dụng và đánh giá mô hình hợp tác xã kiểu mới trong bối cảnh nền kinh tế định hướng thị trường và hội nhập quốc tế từ năm 2003 đến năm 2013. Do đó, tất cả các hợp tác xã phải hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Theo đó, hợp tác xã chủ yếu được định nghĩa như sau: “… Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. Hợp tác xã là nơi nhận sự trợ giúp của chính phủ. Đối với hộ nông dân, hoạt động của hợp tác xã thật sự là cầu nối giữa nhà nước và hộ nông dân…”. Mô hình hợp tác xã kiểu mới bao gồm các hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Nói cách khác, những HTX hình thành từ năm 2012 được gọi là “mô hình HTX kiểu mới”.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới đã phát triển đáng kể ở Việt Nam, với khoảng 24.204 hợp tác xã (trong đó 64% là hợp tác xã nông nghiệp) với khoảng 6 triệu thành viên vào năm 2020. Điều đó cho thấy HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng đã đóng một vai trò quan trọng đối với sinh kế của các hộ nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đã đặt trọng tâm đáng kể vào các hợp tác xã để tăng cường khu vực nông thôn và nông nghiệp. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 340/TTg (ngày 12/3/2021) về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của quyết định này là đạt được 45.000 hợp tác xã với khoảng 8 triệu thành viên vào năm 2030.
Thực tế, hoạt động và hiệu suất của HTX có thể tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình. HTX đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào sản xuất, tiếp thị đầu ra và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp khác, có thể hỗ trợ nông dân đạt được năng suất cao hơn, giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả thị trường.
Các HTX nông nghiệp ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh tế của các trang trại thông qua một số con đường. Thứ nhất, HTX tăng cường khả năng tiếp cận của nông dân với công nghệ tiên tiến, góp phần sử dụng đầu vào sản xuất hiệu quả hơn. Hiệu quả kỹ thuật của các thành viên HTX thường cao hơn và đạt sản lượng nông nghiệp nhiều hơn so với các hộ không phải là thành viên của HTX.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng, tư cách thành viên HTX làm tăng năng suất sản xuất của các thành viên. Tư cách thành viên hợp tác cải thiện hiệu quả kỹ thuật của nông dân, do đó giúp các thành viên HTX đạt được năng suất cao hơn so với những người không phải là thành viên. Các HTX nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến, nhờ đó làm tăng năng suất và thu nhập.
Thứ hai, các HTX có thể mua và giao các vật tư đầu vào và vật tư nông nghiệp cho các thành viên. HTX cũng có thể tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với đầu vào của trang trại, hỗ trợ tài chính và liên kết thị trường đầu ra cho sản xuất. HTX nông nghiệp cũng được coi là một tác nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng liên quan đến việc khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững. Do đó, các thành viên có thể có được đầu vào hiệu quả hơn với chi phí hợp lý.
Thứ ba, HTX nông nghiệp, khi được sử dụng như một kênh tiếp thị hiệu quả, có thể giúp nông dân đạt được thu nhập trên đầu người và thu nhập hộ gia đình cao hơn đáng kể, do sản phẩm làm ra có được giá bán tốt hơn. Các HTX nông nghiệp cũng cung cấp cho các thành viên thông tin về các kênh đầu ra và giá cả thị trường, điều này có thể hỗ trợ nông dân bán sản phẩm của họ với giá cao hơn. HTX còn có thể đóng một vai trò quan trọng trong tiếp thị.
Cuối cùng, có thể kết luận rằng, các chính sách liên quan đến HTX được ban hành có tác động đáng kể đến mức độ sản xuất lúa của các hộ nông dân. Do đó, việc mở rộng số lượng nông dân tham gia HTX trong ngành sản xuất lúa gạo sẽ là một cách thực hiện chính sách hiệu quả để giúp nông dân có thu nhập cao hơn, đạt được mục tiêu cải thiện sản xuất và sinh kế của các hộ nông dân ở vùng nông thôn Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhan-rong-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi-post737655.html