Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với quyết tâm cao, dự kiến đến hết năm 2024, Thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra trước 1 năm so với kế hoạch. Đây là bước đệm để Hà Nội hướng tới phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn tới, tập trung vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP làm từ tơ sen của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Nguyễn Mai
Hoàn thành vượt kế hoạch
Xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ được biết đến là cái nôi của nghề mây, tre đan. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội Mây tre đan Phú Vinh, chia sẻ: “Xã có số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận nhiều nhất huyện, với 54 sản phẩm, riêng gia đình tôi có 23 sản phẩm được công nhận”.
Nhờ chứng nhận OCOP, khách hàng yên tâm hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ông Trung cho biết thêm, năm 2024, chỉ với 35 hội viên, Hiệp hội đã xuất khẩu hơn 100 tỷ đồng, không chỉ bảo tồn và phát triển làng nghề mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong vùng.
Huyện Chương Mỹ, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, hiện có 210 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Tống Văn Thái, các làng nghề tại đây chủ yếu sản xuất các sản phẩm như mây, tre đan xuất khẩu, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, nón lá, điêu khắc đá và chế biến nông sản thực phẩm.
Trong khi đó, huyện Đan Phượng có 105 sản phẩm OCOP được chứng nhận, bao gồm nhiều sản phẩm đặc trưng như: nem Phùng gia truyền, khoai lang kén, kẹo lạc, rượu nếp, đậu phụ và đồ gỗ nội thất. Những sản phẩm này gắn liền với truyền thống, văn hóa và bản sắc địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của địa phương.
Tiến tới mục tiêu 2.000 sản phẩm OCOP
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội: “Giai đoạn 2019 – 2023, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó từ 2021 – 2023 đạt 1.657 sản phẩm. Riêng năm 2024, Thành phố đang thực hiện đánh giá hơn 500 sản phẩm đăng ký”. Dự kiến, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu 2.000 sản phẩm OCOP cho giai đoạn 2021 – 2025 trước 1 năm.
Thành phố đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất trong việc thiết kế bao bì, nhãn mác, gắn mã QR và tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng 107 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và mua sắm.
Tuy đạt được nhiều thành quả, Chương trình OCOP của Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn như: số lượng sản phẩm 5 sao còn ít (mới có 6 sản phẩm), nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia chương trình, và chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng đủ mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, nhấn mạnh: “Sản phẩm OCOP vừa là để tôn vinh, vừa nâng giá trị. Thành phố sẽ khôi phục các giống cây đặc sản như quýt Tích Giang, hồng Yên Thôn, bưởi đường Quế Dương, rau muống tiến vua Sen Chiểu, húng Láng, nhằm phát triển thành các sản phẩm OCOP tiêu biểu. Đồng thời, các sản phẩm du lịch OCOP cũng sẽ được thúc đẩy tại các vùng có lợi thế như Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn”.
Hiện nay, Hà Nội đón khoảng 30 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó có hơn 5 triệu khách quốc tế. Nếu mỗi du khách mua một sản phẩm OCOP, đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy tiêu thụ và quảng bá văn hóa địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn vào mẫu mã, bao bì để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Kỳ vọng OCOP trở thành thương hiệu mạnh
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang tiếp tục hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP qua hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ, và sàn giao dịch điện tử. Thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giúp các sản phẩm OCOP tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng.
Về lâu dài, việc đưa giá trị văn hóa của làng nghề và nông sản địa phương vào giáo dục học đường sẽ giúp thế hệ trẻ nhận thức và tự hào hơn về tài sản văn hóa của quê hương, từ đó chung tay bảo tồn và phát triển.
Nguồn: Hà Nội Mới (https://hanoimoi.vn/ua-san-pham-ocop-tro-thanh-thuong-hieu-manh-cua-thu-do-684871.html)