Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ tại huyện Bắc Quang đã trở thành giải pháp quan trọng để kinh tế nông thôn bứt phá theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nông sản địa phương. Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Huỳnh Minh (xã Tân Thành, huyện Bắc Quang) được thành lập năm 2018, trở thành “mái nhà chung” quy tụ 7 thanh niên chung ý tưởng khởi nghiệp: Chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ giống gà bản địa. Tận dụng quỹ đất sẵn có, HTX mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên hơn 2.000 con theo hình thức thả đồi và liên kết với 4 hộ chăn nuôi khác (quy mô từ 1.500 con đến 4.000 con/hộ/năm) để có nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, tạo nên sản phẩm độc đáo Gà ủ muối Huỳnh Minh. Hiện, sản phẩm của HTX đã có mặt tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên. Trung bình 1 năm, HTX xuất ra thị trường hơn 12 tấn gà thành phẩm, tạo doanh thu hàng tỷ đồng và giúp 8 lao động địa phương có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập từ 55 – 70 triệu đồng/người/năm. Giám đốc HTX Thanh niên Huỳnh Minh, Trần Tuấn Minh chia sẻ: Năm 2022, lần đầu tiên HTX có sản phẩm Gà ủ muối tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được tôn vinh sản phẩm OCOP 3 sao. Đây thực sự là bước ngoặt để HTX nâng tầm giá trị sản phẩm và cũng là “giấy thông hành” giúp sản phẩm của HTX từng bước chiếm lĩnh thị trường, chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Tương tự HTX Huỳnh Minh, năm nay, HTX Hải Khang (thị trấn Việt Quang) có thêm 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của HTX lên 12 sản phẩm và là HTX có số sản phẩm OCOP nhiều nhất huyện. Từ nguồn nguyên liệu đặc sản của địa phương (lợn đen, gà đồi, trâu, bò), HTX cung cấp ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu OCOP độc đáo, có chất lượng vượt trội như: Nem chua, giò xào, giò ngựa, gà đồi muối hong khói… Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX được ngành chuyên môn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử (dacsanhagiang.net), website chương trình OCOP của tỉnh (ocop.hagiang.gov.vn), quảng bá trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo). Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, HTX Cát Lý (Vị Xuyên) – đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào (bò vàng vùng cao, lợn đen địa phương) đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với HTX Hải Khang – nhà sản xuất, phân phối thực phẩm sạch. Trên cơ sở đó, khai trương cửa hàng Thực phẩm sạch tại phường Trần Phú (thành phố Hà Giang). Sự liên kết này không chỉ tạo cú hích, giúp HTX Hải Khang đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng mà còn góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường; chương trình OCOP được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang quan tâm, triển khai sâu rộng trong nhân dân, nhận được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Đến nay, toàn huyện có 39 sản phẩm của 13 chủ thể (2 doanh nghiệp, 8 HTX, tổ hợp tác, 3 hộ sản xuất) được công nhận OCOP. Trong đó, 7 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao và 32 sản phẩm OCOP 3 sao, thuộc các nhóm ngành hàng như: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, dịch vụ du lịch và bán hàng. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đều có mẫu mã, bao bì riêng, được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP…
Thông qua chương trình OCOP, các chủ thể không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Qua đó, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM; hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn. Đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
Nguồn: http://www.baohagiang.vn/moi-vung-que-mot-san-pham/202211/ocop-thuc-day-phat-trien-ben-vung-kinh-te-nong-thon-2a45014/