Chè dây Ra Zéh – cây xóa đói, giảm nghèo và là sản vật của đồng bào Cơ Tu huyện Đông Gang, tỉnh Quảng Nam từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Tại vùng núi Đông Giang, cây chè dây mọc tự nhiên ở vườn đồi, dưới tán rừng tái sinh. Từ bao đời nay, đồng bào Cơ Tu nơi đây vẫn dùng chè dây như một thức uống điều trị bệnh về đường ruột, dạ dày, chữa lành vết loét, giúp an thần và ngủ ngon.
Với đặc tính hữu hiệu trong điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày, tá tràng, chè dây tự nhiên được khai thác gần như cạn kiệt. Do đó, năm 2015, huyện Đông Giang đã xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây chè dây Ra Zéh nhằm phục hồi loại cây có giá trị về mặt y học, đồng thời giúp đồng bào Cơ Tu có sinh kế lâu dài.
Tạo sinh kế cho đồng bào Cơ Tu từ cây chè dây |
Qua khảo sát, loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Tư và một số thôn của các xã vùng giáp ranh, đặc biệt là ở các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy. Do vậy, xã Tư được chọn thí điểm đề án bởi vùng này có chè dây mọc dày đặc ở rừng. Từ đây, bà con được khuyến khích di thực cây chè từ rừng sâu về trồng ở vườn nhà, triền đồi; chính quyền hỗ trợ nguồn giống, kỹ thuật.
Nhờ trồng chè dây, nhiều hộ đồng bào có thu nhập tốt, đời sống được nâng cao. Nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn chặt bỏ vườn keo, đầu tư trồng chè dây. Đồng bào tham gia dự án được hỗ trợ nguồn giống, kỹ thuật nên yên tâm sản xuất, trồng trọt. Đặc biệt, nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm được nâng cao, thời gian bảo quản dài hơn. Trước đây, do khai thác quá mức phục vụ nhu cầu thị trường nên trữ lượng chè dây còn rất thấp và có nguy cơ cạn kiệt; lượng trao đổi, bán ra thị trường nhỏ lẻ không ổn định; khâu chế biến, bảo quản mang tính truyền thống, thủ công của đồng bào Cơ Tu nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng.
Để chè dây Ra Zéh phát triển bền vững và cho giá trị kinh tế cao, huyện Đông Giang đã có chiến lược hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ở xã Tư và thành lập hợp tác xã nông nghiệp xã Tư để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tháng 12/2017, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tư được thành lập. HTX cung cấp giống cho bà con, làm đầu mối thu mua nguyên liệu, chế biến thành các sản phẩm trà, dược liệu rồi tìm đầu ra, cung cấp cho thị trường.
Những đồi chè dây bạt ngàn tại vùng núi Đông Giang |
Luôn đau đáu làm sao để phát triển cây chè dây thành thương hiệu, thế mạnh để bà con Cơ Tu có thêm thu nhập, xóa nghèo, HTX đã tích cực phổ biến, hướng dẫn đồng bào sản xuất chè theo đúng quy trình kỹ thuật. Tất cả các quy trình chế biến chè dây trải qua nhiều công đoạn như: Sơ chế, làm sạch, băm nhỏ, sao, ủ lên men trong nhiều giờ sau đó sấy khô, đóng gói… đều được thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, chè dây thành phẩm của HTX có nhiều phấn trắng, nước đậm vị, ngọt hậu, dễ uống và tốt cho dạ dày.
Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng nhà xưởng kiên cố, đảm bảo vệ sinh; đầu tư máy móc thiết bị chế biến, không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, cải tiến bao bì mẫu mã sản phẩm. HTX còn đăng kí bảo hộ nhãn hiệu “Chè dây Ra Zéh” và đưa sản phẩm tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.
Năm 2018, sản phẩm “Chè dây Ra Zéh” của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2020, HTX cho ra đời dòng “Chè dây Ra Zéh túi lọc” cũng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm đã nhiều lần tham gia hội chợ và được khách hàng ưa chuộng. Thậm chí, nhiều khách hàng khi đã quen sử dụng chè dây Ra Zéh đã tiếp tục đặt hàng và giới thiệu cho nhiều người. Với nhu cầu ngày càng tăng, hiện nay, bà con xã Tư không đủ hàng cung cấp cho thị trường.
Nhờ tổ chức sản xuất, chế biến theo quy trình chuỗi liên kết, có sự đầu tư bài bản về bao bì mẫu mã và chất lượng tốt, chè dây Ra Zéh của đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Những đồi chè dây bạt ngàn là minh chứng cho thành công của đề án được triển khai ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.
Nguồn: https://congthuong.vn/quang-nam-che-day-ra-zeh-san-vat-cua-dong-bao-co-tu-231442.html