Tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian qua đều chú trọng phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và thực tế đã cho hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để giữ được sự ổn định cả về số lượng, chất lượng cũng như thương hiệu trên thị trường thì vẫn còn nhiều trăn trở.
Nếu như trước kia, hợp tác xã chè của bà Vũ Thị Thanh Hảo, Hợp tác xã (HTX) Chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ) đa số chỉ trồng và chế biến chè thương phẩm đơn thuần rồi bán đổ cho các thương lái đến thu mua. Chuyện xây dựng thương hiệu riêng cho mình từ cái tên, mẫu mã, quy cách đóng gói cho đến quảng bá sản phẩm gần như chưa ai nghĩ tới.
Tham gia chương trình OCOP từ những năm 2019, đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và đang hướng tới 5 sao, bà Hảo cho biết: “Sản phẩm được chứng nhận OCOP thì giá trị cao hơn rất nhiều, khách hàng cũng biết đến và tin tưởng. Tuy nhiên, yêu cầu từ sản xuất đến chế biến cũng khắt khe hơn, người làm chè bắt buộc phải chuyên nghiệp lên”.
Mặc dù vậy, bà Hảo thừa nhận vẫn gặp khó trong chuyện phát triển và quảng bá thương hiệu cho những sản phẩm của HTX. Trong bối cảnh có quá nhiều những cái tên trên đất chè này đã có thương hiệu hàng chục năm thì để những sản phẩm OCOP của HTX Chè Thịnh An có được chỗ đứng riêng là điều không dễ dàng.
“Việc làm thương hiệu cho sản phẩm từ quảng cáo, giới thiệu trên các phương tiện thông tin cho đến gần đây là mạng xã hội quả thực khó khăn bởi mình đâu có chuyên môn về việc đó. Thứ nữa là vốn, để làm thương hiệu thì phải có tiền nhưng với HTX thì việc này khó rồi” – bà Hảo chia sẻ.
Tương tự, cơ sở sản xuất bún khô của anh Nguyễn Văn Thuật (xã Kim Phú, TP.Tuyên Quang) mỗi ngày cho ra lò gần 1 tấn bún khô các loại. Từ sản xuất theo quy mô gia đình nhỏ lẻ, anh Thuật đã thành lập Hợp tác xã khá đa dạng các sản phẩm, trong đó có Mỳ gạo đặc sản Thuật Yến được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Doanh thu mỗi năm hơn 3,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo anh Thuật, doanh thu nghe có vẻ cao nhưng chi phí sản xuất và đầu vào lại khá cao, chiếm tới 2/3.
Hiện nay, các sản phẩm khô của cơ sở này như bún gấc, bún tím, bún cốm xanh… đã được chứng nhận OCOP 3 sao và bán tại một số thị trường nhưng sản lượng cũng chưa phải nhiều.
Chia sẻ với PV, anh Thuật cho biết: “Những sản phẩm tham gia chương trình OCOP sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có việc đảm bảo mẫu mã quy cách đóng gói nên cũng đẩy phí chí sản xuất lên, từ đó, giá bán ra cao. Vì thế, đến nay cũng chỉ mới có một số sản phẩm đạt OCOP, còn lại đa số bán sỉ cho các cơ sở, đầu mối khác để họ tự làm thương hiệu. Việc HTX tiếp cận với các nguồn vốn cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi”.
Theo ông Lộc Kim Liễn – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do một số sản phẩm OCOP sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, số lượng sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, hàm lượng chế biến sâu thấp.
Ngoài ra, người nông dân phải “tự bơi” trong quá trình xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm nên tính hiệu quả chưa cao.
Giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đi vào các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Trang bị cho người nông dân những kiến thức cơ bản về quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội, một kênh bán hàng hiệu quả ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/san-pham-ocop-mien-nui-van-gap-kho-dau-ra-1155200.ldo