Khi tham gia vào Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa như: miến gạo Thăng Long, nem chua Bà Lan, măng khô Mường Cada, Kẹo lạc Đức Giang… được tiếp thêm sức mạnh, có sức cạnh tranh hơn trên thị trường. Những sản phẩm OCOP ấy không chỉ giúp người dân nông thôn tăng thu nhập mà mỗi sản phẩm như một sứ giả góp phần quảng bá văn hóa vùng miền và chứa đựng, gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.
Những sản phẩm măng khô, măng khô xé sợi… vốn là nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực gắn với đặc trưng sản xuất sinh hoạt của người dân khu vực miền núi đã tham gia và trở thành những sản phẩm có sức tiêu thụ ổn định trong Chương trình OCOP. Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh: Không phải ngẫu nhiên những sản phẩm được chế biến từ cây măng rừng được chứng nhận, gắn sao trong Chương trình OCOP. Bởi tỉnh Thanh Hóa có diện tích tre luồng lớn, đó vừa là cây trồng truyền thống góp phần xóa đói giảm nghèo vừa là nguồn cung cấp thực phẩm cho sinh hoạt của người dân các dân tộc trong tỉnh. Chính vì vậy, khi phát động chương trình, các chủ thể sản xuất và Nhân dân các huyện miền núi đã chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu và áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng, sản phẩm từ măng rừng. Theo đó, sản phẩm vừa mang đậm tính văn hóa, hương vị truyền thống nhưng lại có sự mới mẻ, sáng tạo trong mẫu mã, quy cách đóng gói, quảng bá… khiến người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.
Được biết, đến hết năm 2022 tỉnh Thanh Hóa đã có 5 sản phẩm từ măng rừng của các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa được công nhận OCOP 3 sao, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động khu vực miền núi. Giám đốc HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân (Thường Xuân) Cầm Thị Thuyết cho biết: Là người con của huyện miền núi, măng rừng đã đồng hành, trở thành món ăn quen thuộc, cũng là 1 trong những đối tượng góp phần phát triển kinh tế cho người dân. Tuy là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon và trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực khu vực miền núi song chưa có một nhãn hiệu uy tín từ măng trên thị trường. Do đó, khi tỉnh triển khai chương trình, tôi luôn ấp ủ mong muốn phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để nghề làm măng đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó, tạo động lực gìn giữ, phát huy nét độc đáo, tinh hoa trong sinh hoạt và ẩm thực của người dân.
Sau thời gian nỗ lực, năm 2022 măng khô Yên Nhân đã được UBND tỉnh công nhận chất lượng OCOP 3 sao góp phần nâng tầm sản phẩm, quảng bá truyền thống văn hóa của người dân vùng cao tới muôn nơi và tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 50 hộ thành viên.
Làm thế nào để sản phẩm OCOP hoàn thành được sứ mệnh kết nối, quảng bá hình ảnh của tỉnh tới bạn bè trong nước và quốc tế. Câu trả lời của chủ thể tham gia Chương trình OCOP là phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Để được gắn sao OCOP cần đảm bảo một số tiêu chí, như: sản phẩm phải bảo đảm có công bố chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm mẫu mã, bao bì đẹp, độc đáo… Sản phẩm tham gia OCOP còn trải qua đánh giá, phân hạng một cách khách quan, chặt chẽ, đúng quy định, được tổ chức truyền thông rộng rãi.
Thực tế cho thấy, Chương trình OCOP đã tìm ra cách phát triển sinh kế ở khu vực nông thôn, vừa tăng thu nhập cho người dân vừa phát triển được cảnh quan văn hóa. Ví dụ như chuyện HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) xây dựng các sản phẩm từ cây chè thành sản phẩm OCOP 3 sao. Đồng thời, phát triển không gian khu vực sản xuất thành điểm tham quan, du lịch trải nghiệm để người tiêu dùng vừa được thưởng thức hương vị độc đáo của cây chè vừa mục sở thị quy trình sản xuất chè truyền thống của người dân địa phương. Hay trong các sản phẩm trà quýt hoi của huyện Bá Thước, nếp cay nọi của huyện Mường Lát, thịt trâu gác bếp của các huyện Như Xuân, Quan Hóa… đều thể hiện những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân địa phương.
Thanh Hóa đã phát triển được 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thảo dược. Trong đó, có nhiều sản phẩm xuất phát từ những làng nghề, nghề truyền thống đã được thị trường và người tiêu dùng biết đến như: nem chua, bánh gai, bánh răng bừa… các sản phẩm đều mang tính cộng đồng, bắt nguồn, chứa đựng những nét truyền thống gắn với sinh hoạt của người dân. Trong mỗi câu chuyện sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng không chỉ dừng lại ở sự hữu hình như tạo việc làm, nâng cao thu nhập… mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.
Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn. Bên cạnh đó, văn phòng sẽ hỗ trợ các chủ thể, các địa phương tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng từ đó nâng tầm sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/kinh-te/san-pham-ocop-su-gia-van-hoa-dia-phuong/176723.htm