Từ năm 2019 đến nay Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP, được coi là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng. Vì vậy, việc đẩy mạnh giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng, thương hiệu OCOP của Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới Hà Nội, triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm. Theo đó, Hà Nội được coi là đơn vị có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước.
Hộ kinh doanh Trần Công Thụy, thôn Đoài, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm rượu truyền thống cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm, hộ kinh doanh đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại kết hợp phương pháp lên men truyền thống để giữ nguyên hương vị của rượu. Năm nay, để khẳng định chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ, anh Thụy đã đăng ký 2 sản phẩm rượu nếp hạ thổ Đào Viên 35% và rượu nếp hạ thổ 30% Vol tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố.
Anh Hoàng Xuân Toàn, chủ cơ sở bánh cuốn giò chả Xuân Hương, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai chia sẻ, để đảm bảo an toàn thực phẩm, Hội đồng thẩm định OCOP của thành phố cũng rất quan tâm đến các sản phẩm nông sản chế biến sâu. Chuyên kinh doanh các sản phẩm giò chả mang thương hiệu Xuân Hương, năm nay hộ kinh doanh Bánh cuốn giò chả Xuân Hương cũng mang 3 sản phẩm gồm: Chả cốm, chả sườn sụn và giò lụa tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Khi được đánh giá cấp sao OCOP, các sản phẩm của cơ sở cũng đã được kiểm nghiệm chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Đoàn giám sát liên ngành bao gồm thành viên đến từ nhiều sở, ngành như: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố và các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công Thương.
Nhiệm vụ của Đoàn là thực hiện kiểm tra, giám sát, duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận về sự tuân thủ các quy định chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng bao bì, tem, nhãn mác, bảo vệ môi trường và các quy định khác của Nhà nước có liên quan đến tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP… Qua công tác kiểm tra, Đoàn cũng sẽ tiến hành lấy mẫu các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược để kiểm tra, phân tích, đánh giá chất lượng.
Cùng với việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, Hà Nội cũng đã xây dựng được 68 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện. Xác định rõ không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng nên trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ cũng như chất lượng sản phẩm từ các quận, huyện cho đến Hội đồng thẩm định của Thành phố thì ưu tiên hàng đầu đó là chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc ngành nông sản, đồ uống, dược liệu… Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các quận, huyện và hỗ trợ tiêu thụ tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích thì các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hà Nội cũng ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng lựa chọn để tiêu thụ trong mỗi bữa ăn gia đình.
Nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/tang-cuong-giam-sat-chat-luong-an-toan-thuc-pham-doi-voi-cac-san-pham-ocop-103230103151531785.htm