Thái Bình: Phát triển OCOP từ sản phẩm thế mạnh

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” đã tạo ra hàng ngàn sản phẩm đa dạng, trong đó có nhiều mặt hàng có chất lượng cao. Đáng chú ý, các địa phương đều đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thế mạnh.

Từ sản phẩm thế mạnh…

Theo lãnh đạo UBND huyện Đông Hưng – Thái Bình: Huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm khơi dậy tiềm năng của các sản phẩm thế mạnh, thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đưa các sản phẩm truyền thống tiếp cận thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh.

Được biết, nghề trồng và làm tháp phát lộc ở thôn Đình Phùng, xã Minh Tân đã có hơn 15 năm với trên 90% hộ dân tham gia. Qua những đôi bàn tay khéo léo, những cây phát lộc được “hóa thân” thành lẵng cây, chậu tháp… đủ hình dáng phục vụ khách hàng, đặc biệt vào dịp tết. Sản phẩm từ cây phát lộc được công nhận OCOP 4 sao là nguồn động viên lớn đối với người dân, cơ sở sản xuất. Đây còn là “tấm vé thông hành” để phát lộc mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường. 

Cơ sở sản xuất bánh cáy – Sản phẩm OCOP của huyện Đông Hưng (ảnh báo Thái Bình)

Ông Bùi Văn Tấn – HTX Minh Tân cho biết: Từ cây phát lộc chúng tôi uốn tỉa tạo ra nhiều sản phẩm với hình dáng theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Nhờ linh hoạt trong thay đổi mẫu mã nên việc tiêu thụ thuận lợi. Đặc biệt, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm được đông đảo khách hàng trong cả nước biết đến.

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Thái Bình, trong năm 2022, Thái Bình đã tập trung đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm và tổ chức các hoạt động chuyên đề về Chương trình sản phẩm OCOP. Tìm kiếm ý tưởng, hỗ trợ phát triển sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Thái Bình và hướng dẫn các huyện, thành phố, các tổ chức kinh tế xây dựng các điểm bán hàng OCOP theo quy định.

Ông Trần Văn Đức – chủ cơ sở sản xuất bánh cáy Thiên Đức – xã Nguyên Xá cho biết: Được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ, cơ sở đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư máy móc chế biến, đóng gói hiện đại với đầy đủ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… Việc tham gia vào chương trình OCOP sẽ là nền tảng để cơ sở đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận với những thị trường khó tính. Đặc biệt, trong hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thái Bình được tổ chức tháng 9 năm 2022, sản phẩm bánh cáy Thiên Đức được ký kết biên bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán hàng hóa với Tập đoàn Central Retail Việt Nam là cơ hội vàng để bánh cáy vươn xa, góp phần nâng tầm sản phẩm lợi thế của địa phương.

Ông Phạm Hùng Vương – Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đông Hưng cho biết: Hàng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch và triển khai các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương tới các tỉnh bạn. Nhiều chương trình đã đạt kết quả cao, các doanh nghiệp, chủ thể đều ký hợp đồng lớn với các đối tác. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thông qua các chương trình khuyến công hỗ trợ chủ thể đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Quầy trưng bày sản phẩm sản phẩm OCOP Thái Bình (ảnh báo Thái Bình)

…đến gắn với du lịch

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh: Thái Bình hiện có 64 sản phẩm OCOP, trong đó 32 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục đăng ký 42 sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Thời gian qua, hoạt động kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Thông qua các hội nghị giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch hàng năm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã ký kết hợp tác giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, từng bước đưa sản phẩm OCOP vào các chương trình tour, qua đó đến gần hơn với du khách trên mọi miền đất nước.

Chị Nguyễn Lan Anh – Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình chia sẻ: Theo tìm hiểu, có khoảng 65% sản phẩm OCOP tại Thái Bình do hộ kinh doanh cá thể ở các làng nghề hoặc do các hợp tác xã sản xuất ra. Các chủ thể OCOP này có điểm mạnh là làng nghề truyền thống hoặc bí quyết gia truyền nhưng có điểm yếu trong khâu phân phối, phát triển thương hiệu.

Vì vậy, nhiều sản phẩm OCOP ra đời bằng kinh nghiệm và tâm huyết của người sản xuất nhưng chưa được nhiều du khách biết đến. Trong khi đó, công ty du lịch với đặc thù thường xuyên nắm bắt nhu cầu thay đổi từng ngày của du khách nên dễ dàng tìm ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhóm khách hàng của mình, thậm chí có thể định hướng nhu cầu của khách hàng theo chương trình tour.

Ngoài ra, sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã khiến cho nhu cầu đi du lịch gắn với thiên nhiên tăng cao đột biến. Đây là thời điểm thuận lợi để các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm, học hỏi và mua sắm các sản phẩm đặc trưng đó mang về làm quà và tiếp tục mua lại sau khi đã hiểu rõ về sản phẩm.

Với vai trò cầu nối giữa du khách và các sản phẩm OCOP, thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tiến hành khảo sát, định hướng phát triển cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trở thành điểm đến du lịch. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và chủ thể OCOP.

Nghề trồng và làm tháp phát lộc ở thôn Đình Phùng, xã Minh Tân đã có hơn 15 năm với trên 90% hộ dân tham gia (ảnh báo Thái Bình)

Được biết, thời gian tới tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP. Phân công các phòng chuyên môn phối hợp, hỗ trợ chủ thể về thủ tục, hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP.

Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện cho cán bộ phụ trách OCOP huyện, xã và tăng khả năng chủ động tiếp cận chương trình của các chủ thể.

Theo Lại Văn Hoàn Phó – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Chủ trương của địa phương hiện nay là kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Sản phẩm OCOP sẽ làm phong phú và tăng tính độc đáo hơn cho hoạt động du lịch, ngược lại du lịch góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và nâng cao giá trị sản phẩm cho tỉnh Thái Bình.

Xác định chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá du lịch và nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn. Ngay sau khi tỉnh triển khai chương trình và chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia chương trình. Đồng thời, tỉnh đã cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể đầu tư đổi mới mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức xúc tiến thương mại; xây dựng website quảng bá sản phẩm…

Như vậy, sản phẩm OCOP, hoạt động du lịch còn nhiều dư địa để phát triển. Mong rằng từ sự kết hợp này sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/thai-binh-phat-trien-ocop-tu-san-pham-the-manh-238480.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *