Việt Nam cũng đã áp dụng mô hình này ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ mới có Quảng Ninh đạt kết quả khả quan.
Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, ông Morihiko Hiramatsu – người đứng đầu chính quyền quận Oita (vùng cực Nam của Nhật Bản), đã đề xuất thực hiện phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh nhằm giữ chân người lao động tại vùng nông thôn đồng thời tạo ra sự chuyển dịch để cân bằng về kinh tế – xã hội giữa vùng nông thôn và các thành phố lớn.
Chỉ trong vòng 20 năm (từ 1979 – 1999), phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản đã đạt được những thành công lớn trong quá trình phát triển nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Phong trào này đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng trong các sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Các mặt hàng nông sản phổ biến của địa phương từ chỗ ít được biết đến ngay trên thị trường nội địa như nấm khô, rượu cất sochu từ lúa mạch, cam, chanh… đã trở nên phổ biến và có giá trị bán khá cao.
Thị phần nội địa của nấm khô Shiitake tăng từ 1% đã tăng lên 32%; rượu sochu tăng từ 1% lên 30,7%… Năm 2000, doanh thu từ các sản phẩm của phong trào tại quận Oita đạt 1.300 triệu USD (so với 330 triệu USD năm 2000) và thu nhập bình quân đầu người đạt 26.100 USD/người/năm (tương đương với thu nhập tính theo đầu người tại Mỹ). Nguồn nhân lực của quận Oita cũng được nâng cao, cơ sở hạ tầng và du lịch phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thu hút đầu tư từ các công ty lớn như Toyota, Canon, Toshiba…
Tại Thái Lan, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OTOP) do nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatra khởi xướng năm 2001. Qua quá trình thực hiện bài bản, những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống tại vùng nông thôn Thái Lan nay đã phát triển sản phẩm OTOP đa dạng từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đến sản phẩm công nghiệp, dịch vụ, địa điểm du lịch, văn hóa địa phương và truyền thống văn hóa.
Chương trình OTOP được tổ chức xúc tiến thương mại từ hội chợ cấp trung ương, khu vực, cấp tỉnh, hội trại thanh niên, hội thi làng, lễ hội làng du lịch… Các sản phẩm OTOP không chỉ được bày bán tại các địa điểm bán hàng truyền thống mà còn được đưa vào cả trụ sở hành chính các cấp, nhà ga, sân bay, các khách sạn, nhà hàng…