Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như một luồng gió mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã “đánh thức” nhiều sản phẩm vốn là thế mạnh của địa phương bấy lâu bị “ngủ quên”.
Sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao. Khi các sản phẩm mở rộng quy mô sản xuất, đã có thêm hàng trăm lao động được tạo việc làm ổn định, nhiều người dân thoát cảnh phải “ly hương”… Đồng thời, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo trong cộng đồng. Đây là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, cho biết: Triển khai từ năm 2018, Chương trình OCOP đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất. Từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Cùng với đó, không ít sản phẩm trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ, nhờ được gắn sao OCOP đã mở rộng thị trường, thậm chí vươn ra thế giới…
Để mở thêm nhiều cơ hội mới trong việc giới thiệu, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, cùng với khuyến khích phát triển các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, Thanh Hoá đang thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Hiện Thanh Hóa có 145 doanh nghiệp với trên 400 sản phẩm tham gia vào hệ thống phần mềm kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa; 112 doanh nghiệp tham gia quảng bá và bán hàng nông sản thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shoppee, Postmart.vn, Voso.vn….; 11 hợp tác xã với 70 sản phẩm nông sản tham gia cổng thông tin kết nối cung cầu của Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Các địa phương cũng đã xây dựng những phần mền giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình. Toàn tỉnh hiện có 236 sản phẩm OCOP.
Để đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện mục tiêu 100% hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử được đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên môi trường số; đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn… Qua đó, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, mở rộng thị trường, thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển.
Sau khi triển khai các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn ngoài việc bán tại chợ, hệ thống siêu thị, điểm bán hàng…thì nay đã có nhiều sản phẩm có mặt trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Người tiêu dùng chỉ cần cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh hoặc vào máy tính có kết nối Internet, vào sàn giao dịch thương mại điện tử gõ sản phẩm cần tìm, chỉ sau vài giây có ngay hình ảnh sản phẩm đó với đầy đủ thông tin về giá cả, địa chỉ nơi sản xuất, chất lượng sản phẩm…
Là chủ sở hữu sản phẩm mang nhãn hiệu Yến Thanh được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh cho biết: Bên cạnh việc nghiên cứu nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua truyền thông, các hội chợ triển lãm, thì việc tham gia vào chương trình OCOP sẽ là nền tảng để công ty đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế. Đạt được danh hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh chính là thước đo chất lượng sản phẩm, để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị. Đồng thời, trở thành động lực để đầu tư chế biến sâu, phát triển thêm những sản phẩm mới.
Hiện nay ngoài hệ thống các chuỗi cửa hàng phân phối ở các huyện, thị trong tỉnh, phía công ty còn đẩy mạnh việc bán hàng online và livestream lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và đưa sản phẩm Yến Thanh lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki…- Anh Tú nhấn mạnh.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Do vậy, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển Chương trình OCOP, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý sản phẩm OCOP. Đồng thời, tiêu chuẩn hóa nguyên liệu và quy trình sản xuất, hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm tại các vùng nuôi trồng, sản xuất sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế nông thôn.
Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/thanh-hoa-chuong-trinh-ocop-danh-thuc-san-pham-nong-nghiep-nong-thon.html