Những năm gần đây, danh mục sản phẩm OCOP của Thanh Hóa có rất nhiều sản phẩm được sở hữu bởi những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x. Tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới của họ chính là yếu tố quan trọng đem lại “sức bật” cho các sản phẩm chủ lực của địa phương với hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Lựa chọn khởi nghiệp bằng những bài thuốc Nam, chị Nguyễn Thị Lan Anh (xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương) mong muốn giúp mọi người có thể dễ dàng, thuận tiện sử dụng thảo dược Việt để nâng cao sức khỏe.
Đọc những bài báo phản ánh hiện tượng một số cơ sở sản xuất thuốc Nam sử dụng hóa chất để bảo quản, chị Lan Anh rất trăn trở và lo lắng. Chị cho biết: “Việc này đang hạ thấp giá trị cây thuốc Nam và khiến bệnh nhân không khỏi bệnh mà có thể mang thêm bệnh vào người. Từ đó, tôi có một khát khao mãnh liệt được làm và đưa đến tay người sử dụng những sản phẩm thảo mộc sạch, chất lượng”. Bản thân là y sĩ nên chị Lan Anh hiểu rõ công dụng của thuốc Nam, đồng thời cũng thấy nguy cơ tiềm ẩn về ý thức của người sử dụng thuốc. Hầu hết, người dân tự ý sử dụng do thói quen, pha chế theo cảm tính nên nhiều bài thuốc Nam chưa phát huy hết công dụng vốn có. Để thuốc Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, chị dày công nghiên cứu, điều chế theo công thức chuẩn, tạo sẵn ra những phương thuốc tiện mua và dễ sử dụng.
Chị Lan Anh cho biết, nguồn nguyên liệu dùng chế biến thuốc đều được kiểm soát ngay từ đầu vào. Vùng dược liệu được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo yêu cầu, sản xuất theo hướng hữu cơ và hoàn toàn không sử dụng hóa chất độc hại. Mỗi bài thuốc chị đều thực hiện theo chuẩn công thức đông y để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Những nỗ lực của chị được người tiêu dùng ghi nhận, khách hàng của chị không chỉ trong tỉnh mà còn có ở các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đồng Nai… Mỗi năm trên 5.000 sản phẩm được xuất bán, doanh thu từ 500 – 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện, chị đã thành lập Công ty TNHH Đông y Quang Anh với 15 sản phẩm thảo mộc, thuốc Nam các loại, trong đó có hai sản phẩm đạt OCOP 3 sao là: “Lá xông hơi cảm lạnh” và “Ngâm chân mộc Việt”.
Chia sẻ về cách làm, chị cho biết “Mỗi sản phẩm có một cách quảng bá và tiếp cận thị trường riêng. Với sản phẩm thuốc Nam mình chọn thị trường là các spa, cơ sở làm đẹp trước, khi sản phẩm được tin dùng, khách hàng sẽ là người tiếp thị tốt nhất. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các kênh bán hàng, cách tiếp cận cũng như nắm bắt kịp thời xu hướng mới thì mới có thể đáp ứng yêu cầu khách hàng”.
Cùng với khao khát nâng tầm sản vật địa phương, cô gái người Mường Quách Thị Anh (xã Luận Thành, huyện Thường Xuân) đã nghiên cứu và sản xuất thành công một số thảo dược thiên nhiên mang nhãn hiệu Hương Quê.
Từ ý tưởng khởi nghiệp, sau nhiều năm kinh nghiệm, Quách Thị Anh cho biết: “Đã có lần tôi bị nấm đầu, bị ngứa và rụng tóc nhiều, tôi đã sử dụng dầu gội trên thị trường nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tuy nhiên, khi dùng những bài thuốc dân gian từ quả bồ kết, lá sả, bồ hòn, hương nhu, vỏ bưởi… sau thời gian ngắn, nấm trên đầu hết sạch, tóc cũng dần mọc lại dày và mượt hơn, không còn cảm giác ngứa ngáy da đầu. Những sản phẩm từ thiên nhiên cũng đang là xu hướng tiêu dùng hiện nay, sao mình không khởi nghiệp từ việc này?”. Mặt khác, chị mong muốn mang đến cho phụ nữ nông thôn thêm nhiều lựa chọn về mỹ phẩm an toàn, giá cả phải chăng. Bởi, chị hiểu rõ những thiệt thòi của chị em phụ nữ nông thôn trong việc làm đẹp và quyền được sử dụng sản phẩm mỹ phẩm an toàn.
Với mỗi sản phẩm chị đều chú trọng đến tính an toàn, thực hành kiểm nghiệm. Sau khi cho ra đời những sản phẩm từ thảo dược như dầu gội, son môi, dầu xả, xà phòng tắm… và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, chị Anh mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, thành lập tổ hợp tác thảo dược thiên nhiên Hương Quê với 6 thành viên. Hiện các sản phẩm của công ty đang được lựa chọn để xây dựng và thực hiện Chương trình OCOP của xã.
Với lối tư duy mở, nhiều bạn trẻ đã thành công trong việc sản xuất và hình thành sản phẩm đặc trưng, được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP của tỉnh, tiêu biểu như: đông trùng hạ thảo khô Đăng Khoa của anh Nguyễn Văn Tuấn (thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn), nước mắm Lê Gia của anh Lê Anh (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa), tương Xuân Phả của anh Đỗ Văn Dũng (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân), nước giặt Puwa của chị Bùi Thị Bích Ngọc (TP Thanh Hóa), giò lụa Tiến Quý của anh Phạm Tiến Quý (thị xã Bỉm Sơn)…
Vẫn giữ phương thức sản xuất của cha ông nhưng có sự cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời đảm bảo chuỗi liên kết, tìm đầu ra tại những siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đó là thế mạnh của người trẻ. Vì thế, các sản phẩm hầu hết có hàm lượng chế biến cao, phù hợp thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, còn giúp người nông dân giải bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng thời thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, những năm qua Tỉnh đoàn cùng các ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, cơ chế chính sách… Để các mô hình mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, đa dạng phương thức kinh doanh. Khuyến khích thanh niên ứng dụng chuyển đổi số, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn trực tuyến qua livestreams cho thanh niên kiến thức, kỹ năng trong việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phát triển, cải tiến sản phẩm…
Nguồn: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/nguoi-tre-nbsp-nang-tam-san-pham-ocop/26077.htm