Phát triển các sản phẩm OCOP truyền thống
Xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng NTM, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, 3 năm qua, Thanh Hóa đã tập trung triển khai chương trình. Đồng thời, ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, các điểm du lịch làng nghề, phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn; có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của tỉnh. Toàn bộ những cơ chế, chính sách này như là “bà đỡ” cho các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất có cơ hội, điều kiện tiếp cận để phát triển sản phẩm OCOP. Bởi xét cho cùng, mục tiêu của chương trình OCOP và NTM đều nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có để đạt mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP, gắn với việc chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm truyền thống, làng nghề mang bản sắc của từng địa phương.
OCOP nhằm phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề của địa phương |
Đến nay, chương trình OCOP đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Hiện toàn tỉnh đã có 42 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 36 sản phẩm đạt 3 sao; vừa đề xuất Trung ương công nhận 2 sản phẩm đạt 5 sao. Nhiều sản phẩm đã và đang phát triển thị trường rất tốt như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, mắm và nước mắm… Dự kiến đến hết năm 2020, Thanh Hóa có khoảng 53 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa có tới 155 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề truyền thống với 23 nghề truyền thống đã được công nhận. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều danh lam, thắng cảnh có thể phát triển thành điểm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra các sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu… Đó chính là những sản phẩm tiền OCOP, tạo điều kiện cho các địa phương sớm có sản phẩm OCOP nếu biết phát huy. Trong đó có 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình sản xuất đều có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP. Đó là chưa kể, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực được người dân địa phương, khách hàng thập phương ưa chuộng như: Chiếu Nga Sơn, tơ Hồng Đô, trống đồng Thiệu Hóa, nem chua…
OCOP tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM
Mặc dù mới được triển khai chưa lâu nhưng Chương trình OCOP đã hòa nhịp ngay và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM bền vững. Cụ thể đã thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, được người tiêu dùng quan tâm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Sản phẩm OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Đến nay, đã có 7 huyện: Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn đạt chuẩn NTM và TP Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 961 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 17 thôn, bản NTM kiểu mẫu.
Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân phát huy được tính sáng tạo trong thực hiện chương trình OCOP. Tăng cường đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản. Duy trì và nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; quản lý việc hoạt động của các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Qua đó, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, phát triển làng nghề, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.
Có thể khẳng định, để đạt được những mục tiêu về xây dựng NTM phải xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.