TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai chương trình OCOP với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu địa phương. Hãy cùng Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam tìm hiểu cách đi của địa phương này.
Hiện nay, Móng Cái đang tiếp tục hoàn thiện Đề án thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Đồng thời có những giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc xây dựng dữ liệu số đối với các sản phẩm OCOP đạt sao và hệ thống camera giám sát quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt sao OCOP cấp thành phố, cấp tỉnh. Khuyến khích phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ là tổ chức quan trọng trong sản xuất sản phẩm, ứng dụng KHCN đặc biệt là công nghệ 4.0, điều hành các vùng sản xuất tập trung, trong mối liên kết 5 nhà (nhà nước – doanh nghiệp, HTX – nhà khoa học – nhà nông – nhà tư vấn)…
Một số sản vật OCOP của Móng Cái |
Sau hơn 4 năm triển khai chương trình OCOP, thành phố đã có 7 tổ chức kinh tế tham gia với 42 sản phẩm. Trong đó, có 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao cấp tỉnh, khoảng 30 sản phẩm được chấp thuận tham gia chu trình OCOP. Đặc biệt, đã có 3 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm: Tôm chân trắng Móng Cái; Ghẹ Trà Cổ; Lợn Móng Cái. Trong đó, sản phẩm Ghẹ Trà Cổ (gồm ghẹ lột, ruốc ghẹ) là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm chủ lực cấp quốc gia là Lợn Móng Cái (gồm giò lụa, chả lụa, ruốc, khâu nhục)…
Chế biến trà hoa vàng
Trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP, Móng Cái xác định chủ yếu theo 2 hướng: Phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã có (chủ yếu là các sản phẩm truyền thống); phát triển từ các ý tưởng sản phẩm mới theo hướng khai thác, phát huy thế mạnh của các địa phương. Song song với phát triển các sản phẩm, thành phố đã chủ động tổ chức hướng dẫn thực hiện Bộ công cụ quản lý chương trình OCOP phù hợp, sát với thực tiễn sản xuất của địa phương. Các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất) được quan tâm phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Dẫn chúng tôi đi thăm các khu vườn trồng trà hoa vàng của gia đình, anh Nịnh Văn Thanh, thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn cho biết: Trước đây, trà hoa vàng đã được trồng nhiều tại xã Bắc Sơn, nhưng chỉ trồng rải rác trong vườn của người dân, phục vụ nhu cầu của gia đình, bởi nước trà ngon, lại tốt cho sức khỏe. Nhận thấy cây trà hoa vàng có giá trị cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng núi Thán Phún, từ năm 2009-2012, gia đình anh Thanh đã đầu tư trồng hơn 800 gốc trà hoa vàng và tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật cấy ghép, xử lý hoa. Năm 2017, khi Thán Phún tập trung xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, anh Thanh mở rộng quy mô, phát triển khu vườn nhân giống cây trà hoa vàng. Đến nay, tổng thể hơn 2ha với tổng số gần 3.000 cây. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, nhận thấy tiềm năng cũng như thị trường của cây trà hoa vàng, anh Thanh đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm trà hoa vàng tham gia chương trình OCOP, với thương hiệu sản phẩm OCOP Trà hoa vàng Thanh Lợi.
Măng tây _ một trong những sản phẩm gây tiếng vang của OCOP Móng Cái
Đồng thời việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm trong các tổ chức kinh tế OCOP; tập trung ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, trong đó sản xuất xúc xích lợn Móng Cái đạt tiêu chuẩn ISO 9001: có 1 tổ chức là HTX Nông, lâm ngư nghiệp Thái An đạt tiêu chuẩn quản lý ISO 9001. Qua đó các sản phẩm OCOP ngày càng được gia tăng giá trị nhờ duy trì và nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã các sản phẩm đều có bao bì nhãn mác đẹp, kiểu dáng chuyên nghiệp, sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm – ẩm thực, đồ uống đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ năm 2017 đến nay, gắn với chương trình xây dựng NTM thành phố luôn ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình OCOP. Tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng.
Có thể thấy chương trình OCOP tại TP Móng Cái đã dần từng bước khẳng định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế của địa phương. Các sản phẩm tham gia chương trình đã được nhân dân trên địa bàn thành phố, tỉnh Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành khác biết đến.