Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao tại 27 huyện, thị xã, thành phố.
Theo cáo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, sản xuất nông nghiệp của địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Phần lớn sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được duy trì ở mức ổn định, một số sản phẩm năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, chương trình xây dựng các sản phẩm OCOP được Sở quan tâm xây dựng, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đánh thức tiềm năng lợi thế, đặc trưng của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Chương trình OCOP năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có hàng loạt kế hoạch, quyết định phê duyệt và khởi động Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân giúp các cấp, các ngành, thành phần kinh tế tư nhân, tập thể hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP.
Sau hơn 4 năm triển khai, Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho khoảng 7.300 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, HTX và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Chương trình OCOP. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao của 204 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.
Để các sản phẩm tới tay người tiêu dùng, Thanh Hóa đã tổ chức, tham gia nhiều chương trình hội chợ, triển lãm thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng, như mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại Siêu thị Co.opMart, hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP, lồng ghép vào các hoạt động du lịch, lễ hội…
Với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, đến nay nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết tới mà còn vươn ra ngoài lãnh thổ, xuất khẩu ra nước ngoài như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của huyện Nga Sơn xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Mỹ; ghế tre thư giãn cao cấp huyện Hà Trung xuất khẩu đi các thị trường châu Âu; sản phẩm dứa đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp huyện Nông Cống xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Nga, châu Âu…
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, Chương trình OCOP không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm mà còn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù. Từ đó, những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền được đánh thức, góp phần tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để phát triển Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng các ngành, địa phương cần chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển cụ thể, đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu. Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý của đặc sản xứ Thanh, tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh và vươn ra thị trường quốc tế.
Nguồn: https://nld.com.vn/dia-phuong/thanh-qua-sau-4-nam-trien-khai-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-tai-thanh-hoa-20230130094323554.htm