Nhiều lợi ích từ chương trình OCOP
(Bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MD Queens)
Ngay từ khi chương trình OCOP được khởi xướng, Công ty Cổ phần MD Queens đã mạnh dạn đưa sản phẩm trà xạ đen tham gia đánh giá, phân hạng. Bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ:
“Việc được chứng nhận OCOP 4 sao đã giúp sản phẩm của chúng tôi nâng tầm thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong quảng bá, xúc tiến thương mại, trà xạ đen đã tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.”
Tuy nhiên, bà Thư cho biết nhiều doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ gia đình gặp khó khăn trong thủ tục đánh giá, phân hạng OCOP. Bà kiến nghị cần có thêm sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn và tăng cường truyền thông để người tiêu dùng nhận diện, tin dùng sản phẩm OCOP.
Đánh giá lại sản phẩm hết thời hạn chứng nhận
(Bà Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm)
Tại vùng rau trọng điểm Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, giúp các sản phẩm rau xanh dễ dàng thâm nhập vào các siêu thị và bếp ăn tập thể. Bà Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, nhận định:
“Nhờ chương trình, giá trị cây rau của chúng tôi đã tăng lên đáng kể. Đây là tiền đề để Văn Đức chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu bắp cải và cải thảo trong tương lai.”
Theo bà Luyến, việc đánh giá lại các sản phẩm hết hạn công nhận là rất cần thiết để duy trì chất lượng và uy tín. Các sản phẩm sẽ được đánh giá theo bộ như rau ăn lá, ăn quả, ăn củ… Điều này vừa giúp tổ chức sản xuất bài bản, vừa tạo đà cho các sản phẩm OCOP chinh phục thị trường quốc tế.
Cần sự hỗ trợ đồng bộ từ chính sách
(Bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Kinh Bắc)
Là một đơn vị tư vấn cho hơn 2.000 sản phẩm OCOP, bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Kinh Bắc, nhận xét:
“Chương trình OCOP tại Hà Nội đã nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp chính quyền. Những hỗ trợ như hướng dẫn thủ tục, tư vấn về bao bì, nhãn mác, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại… đã giúp chủ thể hoàn thiện sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.”
Tuy nhiên, bà Vân Anh cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo về sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP. Việc phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị bền vững.
Giải bài toán kinh phí và nhận thức
(Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Phú Xuyên)
Tại Phú Xuyên (Hà Nội), địa phương có hơn 250 sản phẩm OCOP, việc duy trì và phát triển chương trình vẫn gặp nhiều thách thức. Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết:
“Sản xuất tại đây chủ yếu nhỏ lẻ, thủ công, khiến giá trị sản phẩm chưa cao. Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách huyện chỉ đủ cho việc chứng nhận lần đầu, trong khi các sản phẩm đã hết hạn gặp khó trong việc đánh giá lại.”
Bên cạnh đó, ông Xuân nhấn mạnh nhiều chủ thể OCOP chưa nhận thức được lợi ích dài hạn của việc tham gia chương trình, dẫn đến hạn chế trong đầu tư bài bản. Ông kiến nghị Thành phố hỗ trợ thêm kinh phí, mở rộng quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP đã khẳng định vai trò trong việc nâng cao giá trị nông sản và tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, để chương trình thực sự hiệu quả, cần có sự hỗ trợ toàn diện từ chính sách, kinh phí, truyền thông đến đào tạo chuyên sâu. Khi các khó khăn được tháo gỡ, OCOP không chỉ là biểu tượng của sự phát triển bền vững mà còn trở thành động lực thúc đẩy kinh tế địa phương.