Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Quán triệt mục tiêu này, thời gian qua Bạc Liêu đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình OCOP và bước đầu đạt hiệu quả khả quan.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều: Các chủ thể có sản phẩm OCOP cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm khi được gắn sao OCOP. Sở NN&PTNT cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức trưng bày các sản phẩm ở một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP đặc trưng của Bạc Liêu. Đồng thời, gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm OCOP đặc trưng đến với du khách trong và ngoài nước. Vì quảng bá sản phẩm OCOP cũng chính là quảng bá hình ảnh đất và con người Bạc Liêu đến với du khách trong, ngoài nước…
CÔNG NHẬN NHIỀU SẢN OCOP ĐẶC TRƯNG
Là tỉnh nông nghiệp, Bạc Liêu có nhiều sản phẩm có khả năng xây dựng thành các sản phẩm OCOP đặc trưng riêng của tỉnh. Điển hình như: gạo Một bụi đỏ, gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, muối Bạc Liêu, các loại mắm (mắm chua Vĩnh Hưng, mắm cá trắm cỏ Hồng Dân, mắm cá chốt, mắm cá lóc), khô trâu, trâu kho rim, các loại tôm khô, cá khô… Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng có nhiều khu, điểm du lịch có thể xây dựng thành các sản phẩm OCOP du lịch đặc trưng riêng của tỉnh như: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật đài, Khu di tích lịch sử Trận Giồng Bốm, Khu di tích lịch sử Nọc Nạng, Nhà thờ Tắc Sậy, các cánh đồng điện gió… Ngoài ra, còn có các làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống có thể xây dựng thành các sản phẩm OCOP du lịch đặc trưng.
Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Theo đó, Bạc Liêu có 28 sản phẩm của 18 chủ thể đang sản xuất, chế biến, kinh doanh ở các địa phương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần này. Kết quả, có 19 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gồm: Nước mắm cá cơm Thiên Phú 32 độ đạm của Công ty Cổ phần Vũ Võ Bạc Liêu; đông trùng hạ thảo Trúc Anh – trà sợi sấy của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh; khô tôm sú ép của Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồng Phát; mắm cá lóc của cơ sở Bà Ba; hủ tiếu gõ của cơ sở A Thành Tâm; giỏ tàng ong, lẵng hoa, giỏ xách của cơ sở Mười Thúc; gạo Đài thơm 8 của Công ty TNHH MTV Cường Mận… Đồng thời có 9 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng để tái công nhận sản phẩm OCOP.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 109 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao. Hiện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ các chủ thể về quy trình, hồ sơ đánh giá các sản phẩm mới để tham gia phân hạng, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Ông Đặng Minh Pháp – Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Bạc Liêu có nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch có thể xây dựng thành các sản phẩm OCOP để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước”.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM OCOP
Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, Bạc Liêu đã triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cụ thể là các huyện, thị, thành phố đã chỉ đạo các xã triển khai, bình chọn sản phẩm chủ lực tại địa phương để tham gia đăng ký sản phẩm OCOP. Trong đó, một số địa phương mạnh dạn triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm tạo sự quan tâm, hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ đến các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ dân ở nông thôn.
Công tác quản lý chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu với phương châm “chất lượng làm nên thương hiệu”. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP, các cơ sở cũng xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và niêm yết tại nơi sản xuất để người dân, cộng đồng biết và giám sát…
Thời gian tới, Chương trình OCOP xác định một số giải pháp cụ thể về kết nối, thúc đẩy cung – cầu sản phẩm như: hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng các sản phẩm đặc sắc, thông qua các câu chuyện sản phẩm, biến sản phẩm thành quà tặng đặc trưng của địa phương. Tập trung nâng cao năng lực của các chủ thể; hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những nhân tố đóng vai trò thúc đẩy sự chủ động và kết nối giữa sản xuất và thị trường, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún. Đồng thời xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm thông qua các hội chợ, diễn đàn, sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại. Xây dựng các điểm, cửa hàng giới thiệu, mua bán các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu…
Đáng chú ý, Bạc Liêu đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tập trung xây dựng nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP. Xây dựng 4 điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và một điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản, các sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
nguồn:https://www.baobaclieu.vn/nong-nghiep-nong-dan-nong-thon/tu-hao-san-pham-ocop-bac-lieu-82123.html