Từ sản phẩm làng nghề đến OCOP

Sản phẩm làng nghề là khởi đầu để đưa sản phẩm đến gần hơn với OCOP. Được xem là “trợ lực” quan trọng, Chương trình OCOP đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ngành nghề nông thôn.

Chè lam Phủ Quảng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Khẳng định thương hiệu

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước, Tân Giao là thôn nghèo nhất xã Thăng Long (Nông Cống). Thôn có nghề truyền thống làm miến gạo nhưng thời điểm đó, chỉ có 2 hộ theo nghề. Từ năm 2005, số hộ làm miến tăng dần và cho đến năm 2012, phát triển lên 18 hộ. Năm 2016, khi được công nhận làng nghề truyền thống, nghề làm miến gạo Tân Giao bắt đầu khởi sắc.

Có một thực tế, một số làng nghề sau khi được công nhận không thể phát huy giá trị, đối diện với nhiều khó khăn hơn. Nhưng, miến gạo Tân Giao hoàn toàn ngược lại, sản phẩm đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Quan trọng vẫn nằm ở chất lượng sản phẩm, khi miến gạo Tân Giao đã mang đến cho khách hàng một hương vị đặc trưng của làng nghề, không lẫn với bất kỳ sản phẩm miến gạo nào khác.

Đi lên từ miến, giàu lên từ miến, đấy là điều có thật ở làng miến gạo Tân Giao. Chỉ sau 4 năm công nhận làng nghề truyền thống (tức giai đoạn 2016-2020), trong thôn đã có một sự thay đổi nhanh về kinh tế. Từ một thôn nghèo nhất, vươn lên vị trí dẫn đầu, là thôn giàu nhất xã Thăng Long. Hiện bình quân thu nhập đầu người tại đây là 70 triệu đồng/năm. Làng nghề hiện có 60/209 hộ tham gia sản xuất miến gạo. Đặc biệt, sự thay đổi mạnh nhất sau khi HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long được thành lập vào năm 2018 với 48 hộ tham gia. Sự ra đời của HTX để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm làng nghề, tạo cơ hội để sản phẩm làng nghề vươn xa hơn. 1 năm sau đó, UBND huyện Nông Cống đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến gạo Thăng Long. Nhìn lại sự thay đổi này, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Long, ông Nguyễn Viết Liêm thêm phấn chấn: “Ở Thăng Long, nghề miến được làm ở tất cả các thôn chứ không chỉ riêng thôn Tân Giao. Tuy nhiên, chỉ duy nhất thôn Tân Giao đã tận dụng được cơ hội để phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo một làng nghề”.

Một số sản phẩm truyền thống như chè lam Phủ Quảng hay bánh gai Tứ Trụ…, cũng đã “lên ngôi”, phát huy giá trị sau khi được công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống.

Sải cánh vươn cao nhờ OCOP

Tiếp tục với câu chuyện về miến gạo Thăng Long. Khi đã có thương hiệu và thị trường rộng lớn, không chỉ trong, ngoài tỉnh mà thậm chí, có thời gian sản phẩm này đã có mặt ở thị trường nước Lào, điều này càng khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị sản phẩm làng nghề thì rất cần sự thay đổi mạnh hơn.

Sản phẩm truyền thống miến gạo Thăng Long có cơ hội phát triển mạnh sau khi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sau công nhận làng nghề truyền thống thì Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) một lần nữa lại tạo cơ hội cho sản phẩm làng nghề miến gạo Thăng Long được “cất cánh”. Và con đường đến OCOP của miến gạo Thăng Long khá thuận, bởi đã có một điểm tựa vững chắc, đó là sản phẩm xuất phát từ làng nghề truyền thống.

Năm 2020, vinh dự cho làng nghề, khi miến gạo Thăng Long được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đây, mở ra một câu chuyện mới cho sản phẩm làng nghề truyền thống. Theo ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, thì có 3 cái được sau khi sản phẩm “lên ngôi” OCOP. “Nếu không phải là sản phẩm OCOP thì đương nhiên làng nghề sẽ không phát triển như ngày hôm nay. Thứ nhất là giải quyết được việc làm cho người dân. Thứ 2 là thu nhập của người dân nâng cao hơn và thứ ba là mang tính xã hội lớn”.

Cụ thể, sau khi miến gạo Thăng Long được công nhận OCOP 3 sao, trung bình 1 tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 60 tấn miến, gấp đôi so với trước đây. Nếu trước đây, 1 hộ làm miến chỉ cần 2 – 3 lao động thì giờ phải cần gấp đôi nhân công để làm các công đoạn như cắt miến, đóng bao bì… Sản lượng lớn, giá cả ổn định, theo đó thu nhập của người lao động cũng tăng, từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng lên khoảng 7 – 8 triệu đồng/người/tháng…

Thực tế, đã có một sự lan tỏa về giá trị sản phẩm sau khi được công nhận OCOP. Tuy nhiên, đối với sản phẩm OCOP miến gạo Thăng Long gần như cung không đáp ứng cầu, vì điều kiện sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. “Chỉ cần mưa đến ngày thứ 3 là đã không có sản phẩm cho thị trường. Riêng ở khu vực tỉnh Thanh Hóa cũng đã không cung cấp đủ”. Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long cho biết thêm.

Cùng với miến gạo Thăng Long, cũng trong năm 2020, sản phẩm nghề truyền thống chè lam Phủ Quảng của cơ sở sản xuất Lâm Thu ở thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc) cũng đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trước đó vào năm 2019, sản phẩm bánh gai Tứ Trụ ở làng nghề bánh gai truyền thống xã Thọ Diên (Thọ Xuân) cũng đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Từ thực tế cho thấy, sau công nhận làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, nếu phát huy tốt giá trị thì đường đến OCOP của sản phẩm làng nghề sẽ được rút ngắn lại. Bởi, sản phẩm làng nghề được xem như “ứng cử viên” sáng giá của Chương trình OCOP. Tại Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ: Mỗi người dân cần nâng niu sản phẩm làng nghề, cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái những sản phẩm của những người nghệ nhân, của nhà thiết kế, tạo dựng giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *