Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, lão nông Cao Bằng đưa bánh khảo lên tầm cao mới

Từ một món quà quê dân dã, bánh khảo – sản phẩm truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng – đã được ông Lâm Thanh Quý “nâng tầm” trở thành sản phẩm OCOP, phân phối khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, mang đến cho người tiêu dùng những hương vị khó quên mỗi khi thưởng thức.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng tại tổ 12, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng.

Hành trình từ món ăn chống đói đến sản phẩm hàng hóa

Tại xưởng sản xuất bánh khảo Sơn Tòng, tổ 12, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng, những ngày này không khí tất bật hơn bao giờ hết. Khi mùa bánh khảo vào vụ, các đơn hàng từ khắp nơi đổ về, khiến xưởng phải hoạt động hết công suất.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Công nhân Cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng, tổ 12, phường Sông Hiến, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng gói bánh thành từng phong chuẩn bị hàng cho khách. Ảnh: Chiến Hoàng.

Ông Lâm Thanh Quý – người đứng đầu cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng – cho biết đây là mặt hàng mang tính thời vụ. Nếu ngày thường xưởng chỉ sản xuất khoảng 1.000 phong bánh mỗi ngày, thì vào cao điểm từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng 2, sản lượng tăng gấp ba, thậm chí gấp sáu lần để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Ông Lâm Thanh Quý, chủ cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng (tổ 12, phường Sông Hiến, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ về nghề làm bánh khảo gia truyền của gia đình. Ảnh: Chiến Hoàng.

Xuất phát từ món ăn gắn bó với ký ức tuổi thơ, bánh khảo từng là thực phẩm “chống đói” của người dân vùng cao. Nhận ra giá trị văn hóa và tiềm năng thương mại của loại bánh này, năm 1986, ông Quý quyết định mở xưởng sản xuất, biến thức quà quê giản dị thành sản phẩm hàng hóa.

Ban đầu, xưởng gặp không ít khó khăn, từ thiếu vốn, thiết bị, đến đầu ra chưa ổn định. Nhưng nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cùng những nỗ lực không ngừng, thương hiệu bánh khảo Sơn Tòng dần chiếm lĩnh thị trường. Ngày nay, sản phẩm của ông không chỉ tiêu thụ mạnh tại các tỉnh miền núi phía Bắc mà còn vươn xa đến Tây Nguyên và TP.HCM.

Công nghệ hiện đại và sự giữ gìn giá trị truyền thống

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, cơ sở Sơn Tòng đã đầu tư vào các thiết bị hiện đại như máy rang gạo, máy rang lạc và máy hấp thịt. Tuy nhiên, những khâu quan trọng như cán, trộn vẫn được thực hiện thủ công để giữ trọn hương vị đặc trưng của bánh khảo truyền thống.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Những khay bánh thành phẩm được xếp ra chuẩn bị cho công đoạn cắt và đóng gói tại cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng (tổ 12, phường Sông Hiến, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Chiến Hoàng.

Theo ông Quý, chất lượng sản phẩm phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào và tay nghề của nhân công. Vì vậy, cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng cho công nhân và thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với những nỗ lực đó, bánh khảo Sơn Tòng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trên cả nước.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Hiện tại, cơ sở Sơn Tòng duy trì 6 lao động chính thức với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa vụ, con số này tăng lên 15-20 người. Ông Quý chia sẻ rằng, mục tiêu sắp tới là nâng hạng sao OCOP cho sản phẩm và tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX). Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản và sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ khó khăn khi cơ sở chỉ có một sản phẩm duy nhất, dẫn đến hạn chế trong việc tham gia các sự kiện thương mại. Ông hy vọng ngành chức năng sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm bánh khảo có cơ hội xuất hiện trong các gian hàng đa dạng, giúp mở rộng thị trường hơn nữa.

Gìn giữ nghề truyền thống

Một mối trăn trở khác của ông Quý là nghề làm bánh khảo truyền thống ở Cao Bằng đang có nguy cơ mai một. Số lượng người theo nghề ngày càng giảm, khiến ông lo lắng cho sự bền vững của ngành nghề này. Ông mong các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống tại địa phương.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Bà Ngô Phương Thảo, chuyên viên Hội Nông dân TP.Cao Bằng khi nói về bánh khảo Sơn Tòng của hội viên Lâm Thanh Quý (tổ 12, phường Sông Hiến, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Chiến Hoàng.

Theo bà Ngô Phương Thảo – chuyên viên Hội Nông dân TP. Cao Bằng – bánh khảo Sơn Tòng là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Nhờ sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và phương pháp thủ công truyền thống, bánh khảo Sơn Tòng đã tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường. Hội Nông dân TP. Cao Bằng cũng đặt mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất này trong hội viên, nhằm nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế địa phương.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP - Ảnh 7.

Khách nước ngoài tìm hiểu về bánh khảo Cao Bằng tại một cửa hàng OCOP trên phố đi bộ Kim Đồng, TP..Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng.

Câu chuyện của ông Lâm Thanh Quý không chỉ là minh chứng cho sự sáng tạo và quyết tâm vượt khó của người nông dân mà còn là điển hình trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị truyền thống. Bánh khảo Sơn Tòng – từ một món quà quê – đã vươn xa, trở thành sản phẩm OCOP được yêu thích, góp phần quảng bá hình ảnh và văn hóa vùng miền.

Nguồn: Báo Dân Việt (https://danviet.vn/ung-dung-cong-nghe-vao-san-xuat-hang-hoa-lao-nong-cao-bang-bien-thuc-qua-que-thanh-san-pham-ocop-20241127044844107.htm)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *